Lai Châu, Hà Giang - những 'điểm nóng' về mua bán phụ nữ và trẻ em
Đối tượng mua bán người thường có tiền án, tiền sự, có trường hợp từng là nạn nhân lấy chồng Trung Quốc về thăm quê rồi trở thành thủ phạm mua bán người...
Tại Hội thảo trực tuyến Truyền thông thúc đẩy sử dụng nền tảng trực tuyến Em Vui nhằm nâng cao nhận thức cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số phòng chống tảo hôn và phòng chống mua bán người diễn ra vào ngày 5/5, bà Hoàng Bích Ngọc – Cán bộ dự án của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) cho biết, nghiên cứu đầu vào của Dự án cho thấy Lai Châu & Hà Giang vẫn là hai địa bàn nóng về mua bán phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số sang Trung Quốc.
Cụ thể, Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới phía Tây Bắc Việt Nam, đường biên giới dài hơn 265 km, giáp 3 huyện của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, với nhiều đường tiểu ngạch, đường mòn lối mở giữa hai bên biên giới, địa hình hiểm trở, khó kiểm soát.
Bà Hoàng Bích Ngọc – cán bộ dự án của ISDS. |
Đây được xác định vừa là địa bàn nguồn, vừa là địa bàn trung chuyển của hoạt động mua bán người. Tình trạng lao động trái phép qua biên giới phổ biến càng tiềm ẩn nhiều rủi ro mua bán người.
“Theo báo cáo, trong 10 năm (từ 2004-2013) toàn tỉnh đã xảy ra 132 vụ, xác minh được 222 nạn nhân (đều là phụ nữ, trẻ em), tuy nhiên có đến 940 phụ nữ, trẻ em vắng mặt khỏi địa bàn nhưng chưa xác định được là đi đâu.
Trong khi đó chỉ trong 5 năm từ 2016-2020, lực lượng chức năng tỉnh Lai Châu đã tiếp nhận, xác minh được 139 nạn nhân mua bán người (100% đều bị bán sang Trung Quốc).
Như vậy tỉ lệ nạn nhân mua bán người được phát hiện, xác minh đã có cải thiện (dù không nhiều) trong 5 năm qua. Nạn nhân bị mua bán thường có hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu tìm việc, kết hôn với người nước ngoài, thiếu hiểu biết về pháp luật, cả tin, thường bị đối tượng lợi dụng để lừa bán sang Trung Quốc với mục đích mại dâm, kết hôn trái ý muốn”, bà Hoàng Bích Ngọc nhấn mạnh.
Đáng ngại hơn, thời gian qua không chỉ mua bán phụ nữ, trẻ em, tỉnh còn phát hiện xảy ra mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nam giới và các đường dây đưa người sang Trung Quốc để bán nội tạng.
Theo ghi nhận, đối tượng mua bán người thường có tiền án, tiền sự, lưu manh chuyên nghiệp, có trường hợp từng là nạn nhân lấy chồng Trung Quốc về thăm quê rồi trở thành thủ phạm mua bán người. Bọn chúng thường thông qua mạng xã hội (Zalo, Facebook, Wechat, Viber), dùng thông tin giả để kết bạn, làm quen để giả vờ yêu đương, hứa hẹn giúp đỡ, giới thiệu việc làm rồi lừa bán nạn nhân. Chúng sử dùng cùng ngôn ngữ dân tộc với nạn nhân.
Tương tự tại tỉnh Hà Giang, địa bàn thuộc vùng núi phía Bắc, có 7 trên tổng số 10 huyện tiếp giáp Trung Quốc, với đường biên giới dài hơn 277km. Địa hình hiểm trở, những huyện cực Bắc (khu vực cao nguyên Đồng Văn, gồm Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc) có 90% diện tích là núi đá vôi. Những đặc thù về địa lý, phân bố dân cư, kinh tế-xã hội nêu trên khiến Hà Giang trở thành nguồn và điểm nóng trung chuyển của hoạt động mua bán người đặc biệt là qua Trung Quốc.
Với sự chênh lệch về điều kiện kinh tế, thu nhập, và nhu cầu lao động lớn của Trung Quốc, cộng thêm mối quan hệ thân tộc lâu đời giữ hai bên thường xuyên qua lại thăm thân và trao đổi hàng hóa, sử dụng chung ngôn ngữ giao tiếp, dẫn đến tình hình xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động tự do rất phổ biến và khó kiểm soát, tiềm ẩn nguy cơ mua bán người cao.
“Tội phạm lợi dụng xuất nhập cảnh để mua bán người ở Hà Giang ngày càng tinh vi, đáng báo động, phạm vi liên tỉnh, xuyên quốc gia. Chúng thường nhắm đến phụ nữ, trẻ em ở các xóm, bản vùng sâu, giáp biên (chủ yếu là bản người Mông), đặc biệt khó khăn về kinh tế, hạn chế về hiểu biết xã hội, để hứa hẹn việc làm thu nhập cao hoặc cuộc sống sung sướng khi kết hôn với người nước ngoài, rồi lừa bán sang Trung Quốc để bóc lột lao động, tình dục, bán làm vợ cho cả gia đình…
Theo thống kê, trong giai đoạn 2016-2020, Hà Giang tiến hành xác minh được 56 nạn nhân có dấu hiệu liên quan đến mua bán người (trên tổng số 117 trường hợp nghi là nạn nhân bị mua bán)”, bà Hoàng Bích Ngọc thông tin.
N. Huyền