Lạc lối trong chú giải Truyện Kiều

Chúng tôi đã có dịp trao đổi về cách hiểu câu thơ 20 “Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” liên quan tả Thúy Vân, bài này chúng tôi xin trao đổi về câu 1593 liên quan đến nhân vật Thúc Sinh.
Lạc lối trong chú giải Truyện Kiều - ảnh 1

“Truyện Kiều khảo, chú, bình” chú giải về món cá vược

Thúc Sinh “bén mùi tình dục” do ăn món cá vược bổ dương, tráng thận do Hoạn Thư nấu?

Về bốn câu thơ từ 1591 - 1594, Truyện Kiều khảo - chú - bình chép như sau: “Những là cười phấn cợt son,/Đèn khuya chung bóng, trăng tròn sánh vai./Thú quê thuần vược bén mùi,/Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô”.

Chúng tôi nhận thấy ban biên soạn đã lại “lạc lối” từ việc chép câu 1593 “Thú quê thuần vược bén mùi”. Đây là dị bản, có chữ do người đời sau sửa lại (non quê sửa thành thú quê, thuần hức sửa thành thuần vược). Và đáng chú ý đó còn là một câu thơ lai tạp giữa hai bản Kiều. Câu này ở bản Kiều Oánh Mậu 1902 được chép: “Thú quê thuần hức bén mùi”, đã bị ai đó lấy một chữ “vược” trong bản Duy Minh Thị 1872 (“Non xuân thuần vược bén mùi”) thay thế từ “hức”, ghép vào câu ở bản Kiều Oánh Mậu 1902 thành câu lai tạo: “Thú quê thuần vược bén mùi”. Mời độc giả tham khảo bảng so sánh các chữ trong câu 1593 ở các bản Kiều nôm cổ nhất:

Liễu Văn Đường 1866:   Non quê thuần quắc (hức) bén mùi

Bản Kinh thời Tự Đức 1870:    Non quê thuần hức bén mùi

Liễu Văn Đường 1871:    Non quê thuần hức bén mùi

Duy Minh Thị 1872:     Non xuân thuần vược bén mùi

Kiều Oánh Mậu 1902:             Thú quê thuần hức bén mùi

Như vậy, các bản Nôm cổ và các bản Quốc ngữ hầu hết đều chép câu 1593 là: “Non quê thuần hức bén mùi”, (thuần hức: rau thuần và cá hức), trừ bản Kiều Duy Minh Thị 1872. GS Đào Duy Anh cũng ủng hộ cách hiểu hai chữ trong câu 1593 này là “thuần vược: rau thuần và cá vược” chứ không phải nói về rau thuần, cá hức và theo GS Đào, hức là con ba ba. Về vấn đề này, học giả Nguyễn Quảng Tuân đã nhận xét:

“Chúng tôi nhận thấy cụ Đào Duy Anh đã có sự sai lầm vì “hức” là chữ Hán chứ không phải chữ Nôm và “hức” là tên một con cá chứ không là con ba ba. Các từ điển Trung Quốc như Từ hải, Từ nguyên, Hình âm nghĩa tổng hợp đại tự điển đều có chữ “hức” này và đều vẽ con cá ấy”.

Và ông giải thích như sau: “Thuần hức: (*thuần*: loài thuỷ quì, tức loài sen thường mọc ở ao hồ vùng Giang Nam. Loại mọc ở Tây Hồ rất nổi danh; *hức*: tên một loại cá như cá lư) chữ này thuộc điển thuần lư. Trương Hàn ở đất Ngô Quận đời Tấn. Ông sang đất Lạc làm quan rồi một buổi gió thu bắt đầu thổi, ông nhớ tới quê nhà, liền bỏ quan mà về. Bạch Cư Dị mới có thơ rằng: “Thu phong nhất trợ lô ngư khoái, Trương Hàn dao đầu hoán bất hồi = Gió thu thổi, nhớ tới một gắp đũa gỏi cá lô, Trương Hàn quyết lắc đầu, gọi cũng không quay trở lại”. Ở đây, vì chữ thứ tư thuộc thanh trắc nên Nguyễn Du đã đổi *thuần lư* thành *thuần hức*”.

Trong bài Đọc sách “Chữ nghĩa Truyện Kiều” đăng trên trang web NguyenDu.com.vn, tác giả Nguyễn Hữu Sơn đánh giá cao học giả Nguyễn Quảng Tuân về biện luận thuyết phục này: “Tiêu biểu cho cách làm này là việc ông biện giải chữ “hức” trong câu thơ “Thú quê thuần hức bén mùi” (tr. 103 - 107) thật hết sức sinh động, có lý có tình (một chữ mà học giả uyên bác Đào Duy Anh cho rằng phải là chữ “vược” mới đúng; điều này được cụ Đào xác nhận thêm một lần trong tập hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh - 1989, tr. 167; rồi đồng thời lại được cụ tiếp nhận và sửa sai; xin xem Từ điển “Truyện Kiều”, Nxb. KHXH, Hà Nội - 1989).

Vậy mà ban biên soạn lại chọn một câu lai tạp giữa các bản Kiều là “Thú quê thuần vược bén mùi” để chép vào sách “Truyện Kiều khảo - chú - bình”. Và đương nhiên, khi chép câu 1593 đã không chuẩn thì chú giải theo cũng sẽ không ổn như sau: “Hoạn Thư trang điểm xinh đẹp và hạnh phúc bên Thúc Sinh lắm, vui cả ngày lẫn đêm trăng. Vậy điều gì có thể lý giải tâm lý của Thúc Sinh có thể vui thú ở quê, có thể bén mùi (mà cái bén mùi này là bén cái mùi gì?), có thể quên đi mối tình với vợ vừa cưới, một cô gái trẻ đẹp như Thúy Kiều tới một năm (bởi Thúc Sinh lên đường về quê vào mùa thu và bây giờ cũng đến tiết lập thu)?

Vì vậy, nếu chỉ hiểu đơn thuần món ăn rau thuần và cá vược là món ăn ngon, đặc trưng ở quê làm Thúc Sinh mê mải, bén mùi như Đào Duy Anh chú giải thì sẽ không trả lời được câu hỏi trên và không hiểu giá trị câu thơ của Nguyễn Du dùng “Thú quê thuần vược bén mùi”.

Các nhà biểu tượng ghi nhận: Các nước vùng Viễn Đông coi cá vược là biểu tượng của sự thèm khát nhục dục: “Ở Trung Quốc, cá vược được coi là món ăn kích dục. Muốn ăn cá vược, thèm thịt cá vược là những từ ngữ bóng bẩy cần hiểu theo nghĩa đó”.

Về mặt phong tục, tâm thức bất cứ người vợ nào khi đón chồng ở xa về bao giờ cũng nấu những món ngon, món bổ dương, tráng thận để tăng cường và giữ sinh lực của người chồng. Vì thế mà Thúc Sinh mới ham, mới thú và bén cái mùi - tình dục, mê mải quên đi người vợ bé - Kiều gần một năm trời.”Đây tiếp tục là sự “lạc lối” trong chú giải Truyện Kiều vì trong các bản Kiều nôm cổ nhất, câu 1593 không có chữ “Thú quê” nào ở đây cả (chữ “Thú quê” ở bản Kiều Oánh Mậu 1902, theo khảo cứu của Nguyễn Quảng Tuân và xem bảng so sánh ở trên thì đây là do người đời sau sửa lại), thực chất chỉ có “non quê”.

Do vậy cũng không có chuyện Thúc Sinh “vui thú ở quê” và “mới thú và bén cái mùi - tình dục” như ban biên soạn hiểu.

Nói thêm về bản Nôm Kiều Oánh Mậu 1902, đây là bản Kiều khắc rất đẹp, tinh tế, chú thích và hiệu đính công phu.

Tuy nhiên, soạn giả bản này cũng nói rõ là ông có sửa văn Kiều: “Bản này vẫn có đôi vần hơi gượng ép nhưng nếu đọc không hại nghĩa thì vẫn giữ nguyên như cũ. Đến những chỗ sai lạc không thông thì tham khảo kỹ càng để đính chính, nếu cần đổi hẳn vần đi cho hợp với văn lý, tự biết làm như vậy là lạm quyền, đã có ghi chú rõ ràng, mong người xem lượng thứ…” (trích Truyện Kiều nghiên cứu và thảo luận, NXB Văn học, 2004).

Soạn giả Kiều Oánh Mậu là Phó Bảng triều Tự Đức nhà Nguyễn, ông được xem là nhà khảo chứng văn bản học có uy tín trong văn học cận đại Việt Nam, song như ông đã nói, một số chỗ ông đã “lạm quyền” sửa Kiều. Vậy nên “thú quê” ở đây không đáng tin cậy khi so sánh, đối chiếu với các bản Nôm cổ nhất.

Và con cá vược cũng không xuất hiện ở các bản Nôm cổ nhất, chỉ đến bản Kiều Duy Minh Thị 1872 nó mới xuất hiện, nhưng bất cứ ai nghiên cứu Truyện Kiều đều cần thận trọng khi tham khảo bản Kiều này vì nó có nhiều nhược điểm như GS Nguyễn Tài Cẩn đã đánh giá: “Bản Duy Minh Thị - 1872 do thuê thợ Trung Quốc khắc in ở Quảng Đông, nên chữ nôm bị khắc sai rất nhiều, nhiều khi làm cho câu thơ đọc lên nghe mất cả nghĩa hoặc mất cả vần. Có thể đó là nguyên nhân vì sao các nhà biên khảo Truyện Kiều trong suốt 70 năm đầu thế kỷ 20, hầu như không ai viện dẫn đến nó, đưa nó vào danh sách các tài liệu tham khảo”.

Do vậy, không nên đưa con cá vược của bản Duy Minh Thị 1872 vào câu 1593 dẫn đến chú giải đi trượt quá đà theo hướng cá vược là “món ăn kích dục” Hoạn Thư nấu cho Thúc Sinh ăn để “tráng thận, bổ dương”,”tăng cường sinh lực”, “thèm khát nhục dục”, “bén mùi tình dục” (sđd), … Vì một lẽ đơn giản: cá mà Thúc Sinh được ăn, theo Nguyễn Du là cá hức, món rau thuần cá hức gợi đến tình cảm với quê hương của nhân vật thôi chứ không liên quan gì tới “món ăn kích dục” cả!

Lại nhớ cách đây khoảng 20 năm, trên tạp chí Thế giới mới số 273, một vị Tiến sĩ luật sau khi đọc giáo trình Luật Thương mại (Traité de droit commercial) do Joseph Hamel hợp tác cùng Gaston Lagarde, GS Trường Đại học Luật khoa Paris nghiên cứu về Con đường tơ lụa, đã cho rằng cha Kiều bị bắt là do liên quan đến hoạt động xuất khẩu tơ tằm trái phép (!?). Vị Tiến sĩ này khẳng định: ‘’Triều đình Minh chống lại chủ trương vạn quốc hòa đồng của nhà Nguyên và thực hiện chính sách bài ngoại. Trong số các biện pháp bài ngoại có lệnh triệt để cấm thần dân Minh triều bán tơ lụa cho lái buôn người nước ngoài. Ai vi phạm lệnh cấm này sẽ bị ‘’tru di tam tộc’’ (...).

Quan quân nhà Minh bắt quả tang một tên lái buôn đang vận chuyển tơ lụa trái phép, vi phạm nghiêm lệnh của triều đình. Và hắn đã khai ra nguồn gốc số tơ lụa mua ở nhà Vương Viên ngoại”.

Nhưng đáng tiếc, đó chỉ là suy luận vô căn cứ. Truyện Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân nói rất rõ ràng rằng: Vương Ông bị bắt bớ, đánh đập, buộc tội oan chỉ vì ông đã vô tình uống rượu với hai tên bán tơ mà thực chất là hai tên cướp. Chúng cướp tơ của người ta mang đi tiêu thụ, khi bị phát giác hai tên này đã khai ra tên Vương Viên ngoại làm ông liên lụy. Do vậy, Nguyễn Du đã theo sát nguyên truyện khẳng định đây là một vụ án oan: “Tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây”, chứ không liên quan gì đến việc mua - bán, xuất khẩu tơ tằm trái phép cả. Nghiên cứu Truyện Kiều thì phải đọc văn bản liên quan của Nguyễn Du và Thanh Tâm Tài Nhân chứ sao lại suy luận từ giáo trình Luật Thương mại của các Giáo sư Trường Đại học Luật khoa Paris được?

Sự “lạc lối” hy hữu này đáng tiếc đến nay vẫn nhiều người mắc phải.

Khép lại bài viết này, chúng tôi mong rằng: Các học giả, nhà nghiên cứu khi giảng, khảo, chú, bình Kiều cần nghiên cứu, so sánh, đối chiếu với nguyên truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, các bản Kiều Nôm cổ nhất, tham khảo (một cách thận trọng) công trình, bài viết của các nhà nghiên cứu đáng tin cậy, có uy tín, có kiến thức uyên thâm về Hán Nôm, về ngôn ngữ học, văn bản học…, rồi bình chú với tinh thần khoa học, công tâm. Có như vậy mới không “lạc lối” trong chú giải Truyện Kiều, không vô tình biến không gian Truyện Kiều thành nơi để tung ra vô số các quan điểm chủ quan của người nghiên cứu.

Theo Nguyễn Dương/ANHP

Giao lưu văn hóa sưu tập tem nhân dịp kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ

Chương trình Giao lưu văn hóa sưu tập tem sẽ giúp học sinh Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) thêm yêu quê hương đất nước, góp phần phát triển phong trào sưu tập tem trong trường học.

Nữ sinh Trường Newton và hành trình giành học bổng toàn phần đại học top đầu thế giới

Tháng Tư luôn là giai đoạn sôi động nhất của việc apply học bổng của các học sinh có khát vọng tìm kiếm những môi trường giáo dục lý tưởng trên phạm vi toàn cầu.

Kỷ nguyên chuyển đổi số và những định hướng cho con khi chuyển cấp

Vừa qua, Trường THCS- THPT Newton đã tổ chức hội thảo “Kỷ nguyên chuyển đổi số và những định hướng cho con khi chuyển cấp”.

Tuyển sinh 2022: Thí sinh trúng tuyển đại học xác nhận nhập học từ hôm nay

Từ hôm nay (18/9), Bộ GD&ĐT sẽ mở hệ thống để thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến; hạn cuối xác nhận nhập học là 17h ngày 30/9/2022.

Sở GD-ĐT Hà Tĩnh triển khai phương án phòng, chống virut Corona

Sở GD-ĐT Hà Tĩnh vừa ban hành văn bản số 132/SGDĐT-CTTT gửi Trưởng phòng GD-ĐT các huyện, thị, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở; Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện về việc triển khai phòng, chống dịch bệnh do virut Corona gây ra.

Hải Phòng: Nhiều trường học "nhắc nhở" phụ huynh phòng chống vi rút Corona

Trong ngày 30, 31/1, nhiều trường học tại thành phố Hải Phòng đã có thông báo gửi đến phụ huynh, học sinh về việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona.

Dọn phòng, bố ngỡ ngàng phát hiện Bộ luật “phải tuân chỉ” của con trai lớp 5

Một học sinh lớp 5 (ở Thanh Hóa) đã tự đề ra bộ luật 21 điều “phải tuân chỉ” riêng cho bản thân khiến cha mẹ vô cùng ngỡ ngàng.

Diễn biến mới nhất vụ hàng chục học sinh ở Đắk Lắk mang "hàng nóng" đi hỗn chiến

Vụ hàng chục học sinh tham gia chuẩn bị đánh nhau tại Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk đang khiến dư luận hết sức quan tâm. Tuy nhiên, các số liệu của nhà trường cung cấp cho báo chí và cơ quan chức năng đã "vênh" nhau một cách khó hiểu.

"Đề thi học sinh giỏi Văn lớp 9 của Hà Nội đưa ra yêu cầu hoàn toàn phi lí"

Đó là chia sẻ của TS. Trịnh Thu Tuyết – nguyên giáo viên trườn THPT Chu Văn An (Hà Nội) về đề thi học sinh giỏi môn Văn lớp 9 của Hà Nội.

Xã hội càng "trí tuệ nhân tạo" sẽ càng cần "nhân văn số"

Ở Việt Nam, rô-bốt đã làm thay chức năng của nhân viên trong thư viện. Như vậy, để thấy viễn cảnh rô-bốt thay thế hoàn toàn con người trong một số lĩnh vực kỹ thuật không còn xa nữa. Nhưng nói như vậy, không có nghĩa là rô-bốt có thể thay thế mọi lĩnh vực...

Đang cập nhật dữ liệu !