Kỳ vọng thu nhập 'khủng', nhiều YouTuber, TikToker làm nội dung phản cảm
Với mục tiêu cố tình lôi kéo người xem, nhiều bạn trẻ đã sản xuất những video phản cảm, giật gân “gắn mác” giải trí để đăng tải lên các nền tảng mạng xã hội. Thời gian qua đã có hàng loạt trào lưu “làm mưa làm gió” trên TickTok, gây tranh cãi dữ dội như: sex jokes (trò đùa tình dục), PR phim 18+, nhảy múa khoe thân, mặc áo khoe chân ngực, xu hướng làm video ghép nhạc khoe ảnh đi tù, ghép nhạc tôn giáo minh họa cho video có nội dung/bối cảnh dung tục.... Gần đây nhất là trào lưu quay clip “săn mây” trên máy bay, clip nữ TikToker thản nhiên tạo dáng trên băng chuyền hành lý sân bay cũng gây "náo loạn" mạng xã hội. Dù nhận nhiều chỉ trích nhưng những clip có nội dung phản cảm như thế vẫn tiếp tục ra mắt, thu hút không ít giới trẻ tham gia khiến giới phụ huynh lo lắng.
Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội diễn ra vào chiều 27/10, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà (Đoàn Đại biểu Quốc hội Bắc Ninh) cho biết, những nguồn thu nhập "khủng" từ các nền tảng trực tuyến như YouTube, TikTok, Facebook tạo ra nhiều trào lưu, thu hút các bạn trẻ trở thành người sản xuất nội dung.
Bên cạnh những video có giá trị về giáo dục, văn hóa tinh thần thì lại có nhiều bạn trẻ để nhanh chóng đạt được những mục tiêu tài chính đã làm ra những nội dung phản cảm, đi ngược thuần phong mỹ tục, bạo lực chỉ để câu like, câu view.
Đại biểu Nguyễn Thị Hà cho rằng, việc bất chấp để nổi tiếng theo cách này thể hiện lối sống thực dụng, suy thoái về tư tưởng của người tạo ra video. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là những video này lại dễ dàng thu hút sự chú ý của thanh niên, thậm chí nhiều trẻ em hằng ngày vẫn lướt xem.
“Hệ lụy là một bộ phận người xem là thanh thiếu niên sẽ có suy nghĩ lệch lạc rằng không cần phải chăm chỉ học hành, tu dưỡng đạo đức, chỉ cần làm những video giật gân là sẽ nổi tiếng và sẽ kiếm được nhiều tiền”, bà Hà cảnh báo.
Ngoài ra, việc lướt xem các video có nội dung xấu, độc như vậy thường xuyên thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý, dễ dẫn tới những hành vi không chuẩn mực của thanh, thiếu niên. Bà Hà nhận định, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới các vụ án thương tâm xảy ra gần đây do người trẻ gây ra vì những mâu thuẫn cá nhân, mâu thuẫn tình, tiền.
Đáng báo động hơn là thực trạng nhiều người, trong đó có các bạn trẻ khi chứng kiến các vụ bạo lực học đường, tai nạn giao thông hay những vụ án mạng lại có thái độ vô cảm, thản nhiên phát livestream, quay clip đưa lên mạng, thay vì hỗ trợ hoặc báo cho các cơ quan chức năng đến ứng cứu.
Chia sẻ thêm với phóng viên về tác hại của những clip phản cảm trên mạng xã hội đối với trẻ em, PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá – Giáo dục của Quốc hội cho rằng trẻ em đang trong giai đoạn định hình nhân cách, cũng là lứa tuổi ưa tò mò, thích khám phá, đi kèm với đặc điểm tâm lý chung là thường quan tâm đến những thông tin trái chiều, độc, lạ hơn so với những thông tin tích cực khiến cho những thông tin độc, lạ từ những người nổi tiếng rất dễ thu hút trẻ em.
“Trong bối cảnh chúng ta mong muốn giáo dục đạo đức cho trẻ em có sự đồng bộ từ gia đình, nhà trường đến ngoài xã hội thì việc những nội dung không phù hợp này tạo ra sự “lệch pha” trong giáo dục đạo đức ở các môi trường khác nhau, dẫn đến trẻ em mất định hướng giá trị sống, từ đó dẫn đến các khủng hoảng và rối loạn khác.
Đó chính là lý do, cả nhà trường và gia đình phải quan tâm hơn đến hoạt động giải trí, thư giãn của các em. Những giáo dục làm gương trong gia đình, tăng hoạt động trải nghiệm sống, tương tác trong gia đình chính là những cách giúp trẻ em có thêm sức đề kháng với thông tin độc hại”, PGS. TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Chung quan điểm này, Đại biểu Nguyễn Thị Hà kiến nghị cần có môi trường pháp lý chặt chẽ nhằm quản lý các nền tảng mạng xã hội để người dùng được tiếp cận với những sản phẩm phù hợp với lứa tuổi và văn hóa. Hạn chế và kiểm soát những video, những tài khoản đăng tải những nội dung xấu, độc, nghiêm trị những tổ chức, cá nhân có hành vi gây nguy hại cho cộng đồng. Đồng thời, có những chính sách ưu đãi đối với các nền tảng có ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ngăn chặn những video hoặc bài đăng có nội dung độc hại.
"Đồng thời phải có chế tài xử lý thích đáng và đủ sức răn đe với những trường hợp nghệ sĩ có phát ngôn, cư xử, lối sống không phù hợp, không lành mạnh, làm ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống của giới trẻ", bà Hà kiến nghị.
N. Huyền