Le Paria, mở đầu có tính chuyên nghiệp của Bác Hồ với nghề báo
Đây là ý kiến của Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền bên lề Toạ đàm và trưng bày “100 năm Le Paria” vào sáng 1/4.
Toạ đàm và trưng bày do Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức nhân dịp kỷ niệm 100 năm báo Le Paria (Người cùng khổ) xuất bản số đầu (01/4/1922 – 01/4/2022).
Giáo sư Tạ Ngọc Tấn đánh giá, cuộc trưng bày và toạ đàm nhân dịp 100 năm ra số đầu tiên của báo Le Paria có ý nghĩa to lớn, quan trọng không chỉ đối với làng báo Việt Nam mà còn có ý nghĩa đối với cả cách mạng Việt Nam.
“Bởi vì tờ Le Paria gắn liền với hoạt động cách mạng của Bác Hồ - thời kỳ Bác sống và làm việc ở Pari, đây cũng là thời kỳ Bác đang trăn trở đi tìm đường cứu nước, cứu dân tộc thoát khỏi nô dịch và áp bức.
Bác Hồ là đồng sáng lập ra tờ Le Paria. 14 số đầu, Bác là người trực tiếp tổ chức biên tập, tổ chức in ấn và thậm chí cả tổ chức phát hành tờ báo.
GS. TS Tạ Ngọc Tấn |
Chính tờ báo này là mở đầu có tính chuyên nghiệp, cho duyên nợ của Bác Hồ với nghề báo (từ việc viết, tham gia các bài báo), thậm chí Bác là người trực tiếp tổ chức, biên tập và vận hàng một tờ báo.
Những kinh nghiệm ấy mở ra kinh nghiệm cho Bác Hồ tổ chức vận hành một loạt tờ báo về sau như tờ Thanh Niên, tạp chí Đỏ hay tờ Việt Nam độc lập sau này… Hay một loạt tờ báo khác khi Bác hoạt động ở Xiêm (Thái Lan).
Chính trên tờ báo này, Bác Hồ thể hiện những tư tưởng đầu tiên về chủ nghĩa yêu nước và những chủ nghĩa yêu nước ấy đã bắt đầu gắn với những tư tưởng về cách mạng xã hội chủ nghĩa, cách mạng vô sản…”, Giáo sư Tạ Ngọc Tấn nhận định.
Tại toạ đàm, nhiều tham luận đã phân tích và làm rõ thêm bối cảnh xuất hiện báo Le Paria; mục đích, nội dung và những tác động tích cực của báo; giá trị định hướng phát triển báo chí cách mạng; từ đó có thể góp phần lan tỏa ánh sáng tư duy, phong cách, giá trị nhân văn, đạo đức báo chí Hồ Chí Minh – di sản quý báu mà Người để lại cho đất nước và nhân dân ta, cho các thế hệ người làm báo hôm nay và mai sau.
Trong cuộc đời làm báo của mình, Bác Hồ đã để lại nhiều bài học quý giá về nghề báo và kỹ năng làm báo. Học Bác làm báo là học làm cách mạng, là học làm nghề chuyên nghiệp. Những kinh nghiệm quý giá trong cuộc đời làm báo của Người chính là những bài học lớn để các thế hệ người làm báo Việt Nam noi theo.
Bác Hồ bắt đầu sự nghiệp cách mạng của mình bằng làm báo. Trong hành trình đi tìm đường cứu nước, Người đã học cách làm báo. Bác coi báo chí là công cụ sắc bén để phò chính trừ tà. Người viết báo là để phục vụ cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và nhân loại.
Người sử dụng báo chí để làm công cụ giác ngộ và thức tỉnh. Bác vừa là người sáng lập, lãnh đạo, phóng viên… của nhiều tờ báo. Dưới ngòi bút sắc bén của mình, Người đã vạch trần tội ác của bọn xâm lược tại các thuộc địa; đồng thời Người dùng các tờ báo làm công cụ tuyên truyền con đường cách mạng giải phóng dân tộc.
Bác cho rằng, nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của báo chí đòi hỏi người làm báo phải có đủ phẩm chất của người cán bộ cách mạng, không quản ngại gian khó, hy sinh, kể cả tính mạng, vì nhân dân phục vụ.
Người làm báo phải dùng cây bút, trang giấy làm vũ khí sắc bén chiến đấu cho mục đích vẻ vang của cách mạng, chứ không phải làm báo để lưu danh thiên cổ, muốn viết cho ai, muốn đăng bài mình lên các báo lớn.
Bác khuyên dạy các nhà báo, để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu thực tế, đi sâu quần chúng lao động.
Thực hiện những bài học quý báu của Người, hiện nay các toà soạn, cơ quan báo chí đã và đang làm tốt chức năng của mình- tuyên truyền, định hướng đường lối chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước; phản ánh những tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.
N. Huyền