Nguyễn Ái Quốc với Cách mạng Tháng Mười Nga
Sau cách mạng dân chủ tư sản tháng 2/1917, ở Nga tồn tại tình trạng 2 chính quyền song song, một bên là Chính phủ lâm thời tư sản và một bên là Xô viết các đại biểu công nhân và binh sĩ, đứng đầu là Xô viết Pê-tơ-rô-grát. Trước tình hình đó, V.I. Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích đã xác định, cách mạng Nga phải chuyển từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng XHCN.
Do đó, tháng 4/1917, V.I. Lê-nin về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Nga. Đêm 24/10/1917 theo lịch cũ nước Nga (tức đêm 6/11/1917), khởi nghĩa vũ trang nổ ra ở Thủ đô Pê-tơ-rô-grát. Ngày 25/10/1917, các lực lượng khởi nghĩa đã làm chủ tình hình ở Thủ đô Pê-tơ-rô-grát. Tới 2h10 rạng sáng 26/10/1917, Cung điện Mùa Đông được giải phóng, các bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời bị bắt giữ.
Cuộc khởi nghĩa vũ trang tại Pê-tơ-rô-grát kết thúc thắng lợi. Ngày 25/10/1917, theo lịch cũ nước Nga (tức ngày 7/11/1917) đã được ghi vào lịch sử là ngày thắng lợi của Cách mạng XHCN Tháng Mười vĩ đại. Sự kiện này sau đó có ảnh hưởng rất to lớn tới người thanh niên trẻ của An Nam xa xôi – đó là Nguyễn Ái Quốc.
Sau bao năm bôn ba tìm đường cứu nước (từ tháng 6/1911), khi tiếp nhận tư tưởng cách mạng tháng Mười Nga và sau này là Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra chân lý cho con đường cứu nước, giải phóng dân tộc của mình. Để rồi từ đây, sự dấn thân của Người đã đưa cách mạng Việt Nam cập bến bờ vinh quang.
Thực tế, Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã cổ vũ, lôi cuốn mạnh mẽ phong trào cách mạng giải phóng dân tộc của những nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh không chỉ riêng Việt Nam. Thắng lợi của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng XHCN ở một loạt nước, như: Ba Lan, Bun-ga-ri, Cộng hòa Dân chủ Đức, Hung-ga-ri, Tiệp Khắc, An-ba-ni, Mông Cổ, Triều Tiên, Cu Ba và Việt Nam sau này đã tạo nên những tiền đề thực tế cho sự ra đời của một hệ thống xã hội mà trước đó chưa từng tồn tại trong lịch sử.
Đó là hệ thống các nước XHCN, một khối đã đóng vai trò chi phối với nhiều quá trình quan trọng của thế giới hiện đại. Mặc dù sau này khối XHCN đi vào thoái trào và sự sụp đổ của Liên Xô, tuy nhiên với Việt Nam, Cách mạng tháng Mười đối với Nguyễn Ái Quốc và với cách mạng Việt Nam là bất diệt.
Cụ thể, Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986) đã khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Nguyên tắc chỉ đạo sự nghiệp đổi mới được Đảng ta luôn quán triệt là: Đổi mới trên nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, vì độc lập dân tộc, vì CNXH.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH khẳng định: Đi lên CNXH là khát vọng của Nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.
Để rồi Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Nhân dịp Kỷ niệm 105 năm Cách mạng tháng Mười Nga cũng là dịp để mỗi người chúng ta nhìn nhận lại ý nghĩa lịch sử, bài học kinh nghiệm mà cuộc cách mạng này đã mang lại, từ đó tiếp tục kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.
Nam Phương