Kinh tế tỉnh Hậu Giang có bước phát triển vượt bậc
Ngày 29/12, Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang tổ chức Họp báo Công bố số liệu Thống kê kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang năm 2022 dưới sự chủ trì của Cục trưởng Thiều Vĩnh An.
Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang cho biết: Năm 2022, tình hình kinh tế của tỉnh có bước phát triển vượt bậc so với năm trước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 13,94%, xếp thứ nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long và thứ tư cả nước.
Các khu vực kinh tế đều có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Cụ thể: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%, đóng góp 1,06 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng rất cao với mức tăng 36,55%, đóng góp 8,77 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 8,84%, đóng góp 3,38 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,33%, đóng góp 0,74 điểm phần trăm.
Quy mô nền kinh tế ước đạt khoảng 48 nghìn tỷ đồng (theo giá hiện hành). Cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực so với cùng kỳ năm trước: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 24,06%, giảm 3%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 29,95%, tăng 6,63%; khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 36,86%, giảm 2,97%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm tỷ trọng 9,14%,giảm 0,65% (năm 2021 cơ cấu kinh tế lần lượt là: 27,06%; 23,32%; 39,83%; 9,79%).
GRDP bình quân đầu người cả năm 2022 ước đạt 65,89 triệu đồng/người/năm, tăng 11,63 triệu đồng/người so với năm 2021.
Theo báo cáo thống kê kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang năm 2022, hoạt động thương mại dịch vụ trong năm đã hồi phục và phát triển mạnh so cùng kỳ ở hầu hết các ngành, đặc biệt là ngành thương mại và dịch vụ, lưu trú và ăn uống.
Ước cả năm 2022, tổng doanh thu hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng thực hiện được 50.748,24 tỷ đồng, tăng 19,95% so với cùng kỳ năm trước và đạt 118,02% kế hoạch năm. Trong đó, hoạt động bán lẻ là ngành hàng chiếm tỷ trọng cao (chiếm hơn 75%), đóng góp chủ yếu vào sự tăng trưởng chung của cả ngành thương mại và dịch vụ.
Trong năm qua đã có 896 doanh nghiệp đăng ký thành lập, với tổng số vốn 5.490,834 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm trước tăng 65% về số doanh nghiệp và tăng 61% về vốn doanh nghiệp); 130 doanh nghiệp đăng ký thủ tục giải thể, với tổng số vốn 166,32 tỷ đồng (so với cùng kỳ tăng 44% về số doanh nghiệp, tăng 203% về vốn doanh nghiệp); 208 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, với tổng vốn 1.255,27 tỷ đồng (so với cùng kỳ tăng 74% số doanh nghiệp, về vốn tăng 162%).
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2022 thực hiện được 20.130,83 tỷ đồng, bằng 116,16% so với cùng kỳ năm trước (17.330,55 tỷ đồng) và đạt 99,23% so với kế hoạch năm (mới điều chỉnh 20.286,62 tỷ đồng).
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp, uỷ thác và các dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện được 1.204,08 triệu USD, bằng 124,68% so với cùng kỳ năm trước và vượt 13,81% so với kế hoạch năm.
Ước tổng thu ngân sách địa phương năm 2022 được 13.077,57 tỷ đồng, đạt 149,56% dự toán Trung ương, đạt 111,07% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh. Ước tổng chi ngân sách địa phương được 11.759,24 tỷ đồng, đạt 152,31% dự toán Trung ương, đạt 109,63% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh.
100% trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; có 9,01 bác sĩ trên 10.000 người dân, tăng 4,04% so với cùng kỳ; có 35,70 giường bệnh trên 10.000 người dân, tăng 0,85%; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 10,49%, giảm 0,2%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế cuối năm 2022 đạt 92,81% dân số, tăng 1,2%.
Trong cả năm 2022, tỉnh đã tạo và giải quyết việc làm mới cho 17.490 lao động, đạt 116,60% kế hoạch năm, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2021; hỗ trợ đưa 397 lao động làm việc tại nước ngoài, đạt 114,74% kế hoạch năm 2022.
Về công tác giảm nghèo, theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 6,45% xuống còn 4,99%, biên độ giảm trong năm là 1,46%/1%, đạt 146% và vượt 46% so với kế hoạch.
Hà Minh