Kiêu căng, yêu bản thân quá mức: Biểu hiện rối loạn tâm thần?
Không nhận mình có bệnh
Tìm tới bác sĩ khám trong trạng thái mệt mỏi, mất ngủ, chị Lê Thu Hằng (29 tuổi, trú tại Tân Bình, TP.HCM) cho biết chị bị mất ngủ hơn 6 tháng, người mệt, tóc rụng và có dấu hiệu chán nản, thấy cuộc sống không có ý nghĩa.
Khi trò chuyện với người bệnh, bác sĩ thấy chị Hằng có biểu hiện của chứng ái kỷ. Chị luôn coi mình là người thông minh nhất, không ai hợp với mình nên gần 30 tuổi vẫn chưa yêu ai.
Ngoài ra, Hằng luôn tự khoe về mình. Mẹ Hằng cho biết từ nhỏ cô được cha mẹ nuông chiều và luôn coi cô là trung tâm của vũ trụ. Lớn lên, tính Hằng cũng như vậy. Cô luôn luôn kiêu căng, luôn nhận mình là tốt nhất, là số 1, ít quan tâm, nói chuyện với người xung quanh. Sau dịch Covid-19, Hằng có dấu hiệu trầm cảm, mất ngủ kéo dài.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thanh Hiển – Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, ái kỷ là một hội chứng rối loạn nhân cách, nó cũng được xem là bệnh lý của tâm thần nhưng thường bị bỏ sót. Người bị chứng ái kỷ luôn tự mãn với tầm quan trọng của chính họ, luôn coi mình là số một, thích được thể hiện mình và muốn người khác ngưỡng mộ và không có khả năng thấu cảm với người khác.
Tuy nhiên, đằng sau “chiếc mặt nạ tự tin thái quá” thì những người mang chứng bệnh này lại rất dễ bị tổn thương trước những lời chỉ trích nhẹ nhàng nhất. Họ sợ bị chê, sợ nhận trách nhiệm và luôn tìm mọi cách đổ lỗi cái sai về cho người khác.
Cùng quan điểm, chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện – Đơn vị tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết ái kỷ là một rối loạn nhân cách mà người mắc thường có biểu hiện tự cao, luôn đánh giá quá cao khả năng của bản thân, phóng đại thành quả mình tạo ra. Người ái kỷ thường cho rằng mình vô cùng độc đáo, đặc biệt, thiếu đồng cảm với người khác.
Theo chuyên gia Toàn Thiện, đến nay, nguyên nhân mắc rối loạn này vẫn còn đang được khoa học nghiên cứu. Các giả thuyết về di truyền, yếu tố tâm lý – xã hội vẫn đang được xem xét trong mối tương quan với rối loạn nhân cách ái kỷ.
Trong đó có giả thuyết đưa ra việc trẻ từng bị phê bình thậm tệ hoặc khen ngợi, ngưỡng mộ, hoặc nuông chiều đứa trẻ quá mức đều được xem xét có tác động hình thành chứng ái kỷ.
Các rối loạn nhân cách, bao gồm rối loạn nhân cách ái kỷ thường chỉ được chẩn đoán bởi nhà chuyên môn từ sau 18 tuổi.
BS Hiển cho biết những người mắc chứng ái kỷ họ đều không biết mình đang bị một rối loạn tâm thần nên ít ai đến khám chuyên khoa tâm thần. Đôi khi chỉ bạn bè, đồng nghiệp xung quanh nhận thấy các dấu hiệu này. Họ luôn có phản ứng gây gắt khi nhận được những lời nhận xét không hay hoặc cảm thấy tức giận, xấu hổ khi bị chỉ trích.
Nguy cơ ái kỷ kéo dài như thế nào?
Một số trường hợp có tìm tới các biện pháp hỗ trợ tâm lý để trị chứng “yêu bản thân thái quá”.
Chứng ái kỷ không ảnh hưởng tới sức khỏe cục bộ nhưng về lâu dài nó có thể có các biến chứng của rối loạn nhân cách ái kỷ, nếu không được điều trị họ thường gặp khó khăn trong các mối quan hệ xã hội tại nơi làm việc hoặc trường học.
Một số người có thể mắc thêm bệnh trầm cảm, lạm dụng ma túy hoặc rượu. Có những người ái kỷ luôn coi mình là số 1, tâm trạng dễ tổn thương nên đôi khi họ không chịu được nếu ai chê mình, họ có thể có suy nghĩ muốn tự tử, tìm tới các hành động tự tử.
Khi tới khám, bác sĩ có thể nghi ngờ chứng rối loạn nhân cách ái kỷ dựa trên tiền sử bệnh. Bác sĩ cũng có thể dựa trên những dấu hiệu và triệu chứng mà bạn đang có để đưa ra chẩn đoán.
Với trường hợp bị ái kỷ, BS Hiển cho rằng, gia đình, người thân nên trò chuyện hàng ngày với người bệnh để mối quan hệ thân mật hơn. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu lo âu, trẩm cảm có thể sử dụng thuốc chống trầm cảm.
Khánh Chi