Kiệt sức vì lỗ nặng, đại lý xăng dầu muốn Bộ trưởng Công Thương vi hành kiểm tra tình hình
Nhiều đại lý bán lẻ xăng dầu ở các tỉnh khu vực phía Nam và miền Bắc cho rằng, Bộ trưởng Công Thương nên vi hành xuống các cửa hàng bán lẻ xăng dầu để kiểm tra việc cung ứng của các doanh nghiệp đầu mối.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cho biết, tình trạng bán hàng nhỏ giọt cho đại lý và cửa hàng bán lẻ đã được ghi nhận trong những ngày qua. Với diễn biến giá thế giới hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang bị lỗ kép khi chịu mức lỗ hơn 2.000 đồng/lít dầu bán ra, gần 400 đồng/lít xăng đồng thời phải gánh một khoản tiền lãi rất lớn vay ngân hàng để bù cho phần âm Quỹ bình ổn giá xăng dầu kéo dài nhiều tháng qua.
“Có những doanh nghiệp bị âm cả gần nghìn tỷ đồng Quỹ bình ổn. Doanh nghiệp phải vay ngân hàng để bù quỹ âm, phải trả lãi đồng thời phải chịu lỗ cho từng lít xăng dầu bán ra. Với doanh nghiệp có vốn Nhà nước thì đỡ áp lực hơn. Còn với doanh nghiệp cổ phần, cổ đông chất vấn hằng ngày vì sao lỗ mà vẫn bán nhiều như vậy. Khổ nhất lúc này là muốn hạ nhiệt đà tăng giá thì Quỹ bình ổn lại bị âm nên vai trò điều tiết của Quỹ bình ổn không còn”, lãnh đạo một doanh nghiệp nói với PV Tiền Phong.
Lý giải tình trạng nguồn cung xăng dầu trong nước đang có dấu hiệu bất ổn, đại diện một doanh nghiệp xăng dầu cho biết, khi đầu mối đứng đầu chuỗi cung ứng nếu bị lỗ thì chắc chắn sẽ chia lỗ cho tất cả các khâu còn lại trong chuỗi. Trong bối cảnh giá liên tục biến động mạnh như hiện nay, và qua mấy kỳ điều hành giá, doanh nghiệp vẫn bị lỗ nên sẽ có tình trạng doanh nghiệp đầu mối tiếp tục cắt lỗ cho đến khi hòa vốn trở lại. “Phần lỗ này đại lý bán lẻ phải gánh một phần”, vị này tiết lộ.
Vị này cũng khẳng định tình trạng các đại lý bán lẻ không được nhận thù lao đại lý, đồng thời phải chi tiền ngoài (còn gọi âm thù lao đại lý) đang diễn ra khá phổ biến trên thị trường.
“Người dân ai cũng nghĩ đại lý ôm hàng đầu cơ, nhưng thực sự đại lý có hàng đâu để mà đầu cơ khi thù lao 0 đồng, bán lít xăng dầu nào ra thì lỗ nặng từng đó. Bản thân các cửa hàng bán lẻ cũng muốn cơ quan chức năng vào cuộc vì sao cửa hàng đặt hàng nhưng doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối lại không có hàng để bán”, vị này nói.
Theo tính toán của một doanh nghiệp đầu mối, nếu chiết khấu xăng dầu bị giảm về âm, đồng nghĩa cửa hàng bán lẻ sẽ phải chịu lỗ từ 600- 1.200 đồng/lít xăng, dầu bán ra do phải trang trải toàn bộ chi phí nhân sự, thuê mặt bằng, vận hành. Chưa kể, để có hàng bán, đại lý phải chịu âm chiết khấu nên tình trạng lỗ kép càng khiến doanh nghiệp kiệt quệ khi tình trạng bị lỗ của các đại lý bán lẻ xăng dầu kéo dài từ đầu năm đến nay.
“Với mức chiết khấu 0 đồng như hiện nay, đại lý bán lẻ đang chịu lỗ lớn vì đang bán hàng không công cho doanh nghiệp phân phối. Với tình trạng kinh doanh bình thường, không biến động như hiện nay, để thu hồi được số lỗ từ việc bán 10.000 lít xăng dầu mỗi tháng, đại lý bán lẻ cần tối thiểu khoảng 6 tháng. Còn nếu thị trường cứ lên xuống liên tục từ đầu năm đến nay, thì việc thu hồi số lỗ là vô vọng, phải kéo dài trong nhiều năm”, đại diện một doanh nghiệp xăng dầu nhẩm tính.
Theo vị này, để nắm rõ tình hình, Bộ trưởng Bộ Công Thương nên vi hành xuống các doanh nghiệp, cửa hàng xăng dầu bán lẻ để kiểm tra tình hình và lắng nghe từ những người kinh doanh trực tiếp thay vì nghe cấp dưới báo cáo. Có như vậy mới giải quyết được câu hỏi vì sao doanh nghiệp kêu khó kéo dài và có hay không tình trạng găm hàng ở các cây xăng bán lẻ cũng như có phải các cửa hàng bán lẻ xăng dầu liên tục bị lỗ trong gần 1 năm qua.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, trong Nghị định 95 và Nghị định 93 về kinh doanh xăng dầu đều có quy định về hoa hồng cho đại lý. "Cần phải kiểm tra để biết và phân xử việc ông nào không giao hàng theo đúng hợp đồng, không thực hiện chiết khấu cho đại lý. Cùng đó, các doanh nghiệp đầu mối và các tư nhân phân phối cũng cần công bố số lượng hàng tồn kho và hợp đồng mà giao hàng theo tiến độ. Lúc đó sẽ ra ngay vấn đề", ông Bảo nói.
Kiến nghị điều chỉnh giá xăng dầu ngay ngày 1/9 thay vì lùi tới tận 5/9
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương vẫn điều hành giá xăng dầu vào đúng ngày 1/9, nhằm đảm bảo nguồn cung, đồng thời giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo TPO