Kiểm quỹ ATM, ngân hàng mới biết bị hụt hơn 18 tỷ đồng
Báo cáo tài chính bán niên năm 2022 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), mục các khoản phải thu bên ngoài cho thấy ngân hàng có khoản phải thu hơn 14 tỷ đồng từ “tham ô, thiếu mất tiền, tài sản chờ xử lý”.
Cụ thể, khoản phải thu bên ngoài này tính đến 30/6 là 14,489 tỷ đồng. Theo lý giải của Saigonbank, khoản phải thu này được hình thành từ năm 2015 nhưng đến nay ngân hàng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.
Theo biên bản xác nhận kết quả kiểm quỹ ATM qua công tác kiểm tra quỹ ATM vào ngày 8/6/2015 đã xác định số tiền chênh lệch là 18.138.590.000 đồng so với biên bản kiểm tra quỹ ATM 3 ngày trước đó. Để làm rõ số tiền hơn 18 tỷ đồng bị thiếu hụt này, Saigonbank đã chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Tuy nhiên, ngân hàng chỉ thu hồi lại được 3,650 tỷ đồng. Số tiền còn lại 14.488.590.000 đồng được ngân hàng xác định là khoản nợ phải thu khó đòi, do đó đã trích lập dự phòng 100% cho khoản nợ này.
Trên thực tế, số tiền thất thoát này đã được cơ quan CSĐT xác định thủ phạm biển thủ là ông Phạm Văn Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh thẻ ATM của Saigonbank.
Sau khi nhận tiền thu hồi từ 20 máy ATM do cấp dưới bàn giao, Minh đã không nộp vào kho quỹ cũng như hạch toán vào hệ thống mà lấy sử dụng cá nhân.
Tháng 7/2019, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Phạm Văn Minh mức án tù chung thân về hành vi tham ô tài sản. Đồng phạm của Minh còn có Dương Xuân Hùng (cựu nhân viên Saigonbank) bị kết án 7 năm tù về tội Tham ô tài sản.
Saigonbank là ngân hàng quy mô vốn nhỏ nhất trên thị trường với vốn điều lệ chỉ 3.080 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông của nhà băng này khá cô đặc với sự xuất hiện của nhóm các cổ đông lớn gồm: Văn phòng Thành uỷ TP.HCM nắm giữ 18,18%, Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận 16,64%, Công ty TNHH MTV Du lịch Kỳ Hoà 16,35%, Saigon Petro (doanh nghiệp vừa bị Bộ Công Thương tước giấy phép kinh doanh xăng dầu) nắm giữ 14,08%, Ngân hàng VietinBank 4,91%, Ngân hàng Vietcombank 4,37%. Trong khi đó, nhóm các cổ đông cá nhân, bao gồm hơn 4.000 người tại thời điểm cuối năm 2021, nắm giữ 25,46% phần vốn còn lại.
Tổng tài sản của ngân hàng vào cuối năm 2021 là 24.609 tỷ đồng. Tổng lượng huy động và cho vay trong năm 2021 lần lượt là 20.448 tỷ đồng và 17.022 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu (nhóm 3-5) là 1,91% trên tổng dư nợ. Lợi nhuận trước thuế sau trích lập dự phòng đạt 154 tỷ đồng.
Báo cáo hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy, Saigonbank đạt lợi nhuận sau thuế 141 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Tại ngày 30/6/2022, ngân hàng có 1.391 nhân viên, tiền lương bình quân mỗi nhân viên là 11 triệu đồng/tháng (giảm 2 triệu đồng so với cùng kỳ năm ngoái). Tuy nhiên, thu nhập bình quân mỗi nhân viên không thay đổi so với cùng kỳ, đạt 15 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2022, Saigonbank hướng tới mục tiêu tổng tài sản 26 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với năm trước, huy động vốn tăng 8%, dư nợ cho vay tăng 10%, nợ xấu theo quy định và lợi nhuận ở mức 190 tỷ đồng.
Trong hoạt động góp vốn, Saigonbank đang có khoản đầu tư 53,88 tỷ đồng vào các đơn vị: Khách sạn Sài Gòn Hạ Long, Công ty Napas, Chứng khoán Saigonbank – Berjaya. Tính đến cuối năm 2021, lợi nhuận thu được từ các khoản góp vốn mua cổ phần là 106,73 tỷ đồng. Ngân hàng cũng đã thoái vốn hoàn toàn khỏi Ngân hàng Bản Việt.
Chủ tịch HĐQT Saigonbank hiện nay là ông Vũ Quang Lãm. Ông Lãm đồng thời là Phó Tổng Giám đốc tại Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước thành phố Hồ Chí Minh (HFIC), đồng thời là người đại diện cho phần vốn góp của HFIC tại CTCP Chứng khoán TP.HCM (HCM), CTCP XNK và Đầu tư Chợ Lớn (CLX), và Ngân hàng HDBank (HDB).
Saigonbank đang niêm yết cổ phiếu trên sàn UPCoM với mã SGB. Trong phiên giao dịch hôm nay (7/9), giá cổ phiếu SGB ở mức giá 13.500 đồng/cp.
Ngân Giang
Nợ ngân hàng quá hạn, đại gia phố núi vẫn cho người khác vay nghìn tỷ đồng
Đức Long Gia Lai cho nhiều tổ chức, cá nhân vay hơn 2.000 tỷ đồng dù không có tài sản đảm bảo, bảo lãnh của bên thứ 3. Trong khi đó, chính doanh nghiệp đang nợ quá hạn ngân hàng.