Không để người dân đến nhiều cơ sở y tế mà không được xét nghiệm Covid-19
Chúng tôi mong muốn tất cả các cơ sở y tế (công lập, tư nhân) có ký hợp đồng với Bảo hiểm xã hội thực hiện được xét nghiệm SARS-CoV-2 nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế: Cần huy động tổng lực cho tình huống xấu nhất |
Sáng 2/8, Bộ Y tế tổ chức giao ban trực tuyến định kỳ với 63 tỉnh, thành để thúc đẩy các địa phương quyết liệt, tăng tốc hơn trong chống dịch.
Bộ Y tế đánh giá dịch Covid-19 hiện nay, đặc biệt là tại Đà Nẵng, là một trong những vụ dịch có độ phức tạp và lan rộng, cần có sự quan tâm rất đặc biệt.
Về vấn đề xét nghiệm, Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng tốc kiểm soát những người đi đến Đà Nẵng, tăng tốc xét nghiệm với những người đã đi đến các địa điểm được Bộ Y tế khuyến cáo. Hiện nay một số địa phương thực hiện rất nghiêm túc, khẩn trương như Hà Nội, TP HCM. Tuy nhiên, vụ dịch lần này có tốc độ lây nhiễm cao hơn lần trước. Hiện nay tốc độ lây nhiễm cao gấp 2-3 so với lần trước.
Vì thế, quyền Bộ trưởng Y tế đề nghị các địa phương tăng tốc hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để làm châm lại sự lây lan của dịch. Hiện nay chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2 đã được bảo hiểm y tế chi trả.
“Chúng tôi mong muốn tất cả các cơ sở y tế (công lập, tư nhân) có ký hợp đồng với Bảo hiểm xã hội thực hiện được xét nghiệm này nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Nếu không có máy móc, năng lực để xét nghiệm, cơ sở có thể lấy mẫu gửi đến các đơn vị có thể thực hiện được. Không được để xảy ra tình trạng người dân đi đến nhiều cơ sở y tế mà không được xét nghiệm”, GS Long nói.
GS Long cũng đề nghị các địa phương triển khai ngay tất cả các biện pháp chống dịch dù trên địa bàn chưa có ca nhiễm Covid-19, chuẩn bị kỹ lưỡng, để đối phó một cách nhanh nhất.
Ngoài ra, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua các đơn vị đã hết sức chủ động trong vấn đề xét nghiệm, thời gian tới cần tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa. Các Sở Y tế cần tập huấn ngay cho các đơn vị về cách thức lấy mẫu xét nghiệm, phòng lây nhiễm, biện pháp phòng chống dịch.
Ông cũng đề nghị, song song với việc mở rộng xét nghiệm tại các bệnh viện, các tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh giám sát cộng đồng. Bộ Y tế hoàn toàn ủng hộ TP Hà Nội xét nghiệm cộng đồng song lưu ý làm cả PCR với những trường hợp cần thiết. Tương tự TP HCM, Quảng Nam, Quảng Ngãi… cũng cần lưu ý. Các địa phương cần hết sức chủ động về vấn đề xét nghiệm, không đợi trung ương.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng nhấn mạnh thêm đây là chiến lược cực kỳ quan trọng trong giai đoạn hiện nay để phát hiện sớm các ca bệnh. Các ca bệnh hiện nay được phát hiện chủ yếu trong bệnh viện. Nếu không phát hiện sớm ca mắc thì sẽ phải tiến hành cách ly toàn bộ bệnh viện.
Tính đến 6h ngày 2/8, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 590 ca mắc Covid-19, trong đó 306 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Số lượng ca mắc mới liên quan tới Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay: 144 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 94.216; trong đó: cách ly tập trung tại bệnh viện 920 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 14.249 người; cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú 79.047 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch, đến nay đã điều trị khỏi 373 ca, có 5 ca tử vong.
N. Huyền