GS Nguyễn Thanh Long: Các địa phương không để sót người từ Đà Nẵng về
Sáng 1/8, Bộ Y tế đã tiến hành tập huấn trực tuyến cho 700 đầu cầu các bệnh viện, cơ sở y tế về công tác thu dung, điều trị, phòng dịch Covid-19.
Theo Giáo sư TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, đến nay dịch xảy ra ở Đà Nẵng phức tạp hơn lần trước làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, số ca tử vong sẽ tăng vì đa số là bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh nền. Đến nay, Việt Nam đã có 3 ca tử vong. Các bệnh nhân nặng đều là những bệnh nhân có bệnh lý nền.
GS TS Nguyễn Thanh Long |
GS Long cho biết ở giai đoạn đầu Việt Nam chiến thắng Covid-19 nhưng giai đoạn sau sẽ khó khăn hơn vì trên thế giới đỉnh dịch vẫn chưa xác định, số ca mắc và tử vong ngày một cao lên. Các quốc gia đều chuẩn bị sẵn cho vòng 2 của dịch như Nhật Bản, Trung Quốc.
Mức độ dịch lần này phức tạp hơn, nhưng GS Long cho rằng, ngay từ ca đầu tiên Bộ Y tế đã nhận định đánh giá tình hình mạnh mẽ, nhận định phức tạp hơn, khả năng ứng phó phải nhanh hơn. Vì vậy, đến nay Bộ Y tế liên tục tăng cường, cử đoàn tinh nhuệ nhất của bộ từ giám sát, xét nghiệm tới điều trị.
Họ đều là những đội ngũ chuyên gia hàng đầu Việt Nam từ xét nghiệm, dịch tễ học cho tới điều trị. Có khoảng 40 - 50 chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai đã vào Đà Nẵng, Quảng Nam hỗ trợ công tác điều trị từ hồi sức tích cực, chạy thận nhân tạo, điều trị bệnh nhân nặng và cả nhiễm khuẩn bệnh viện.
Khó khăn của dịch lần này GS Long cho biết đến thời điểm hiện tại đã xác định có khoảng 800 nghìn người từ Đà Nẵng trở về từ 1/7 và có 41 nghìn người từng đến các bệnh viện bị phong toả để khám chữa bệnh, chăm nuôi. Đây là con số cực lớn và chúng ta phải sẵn sàng, sát sao và giám sát được họ.
GS Long cũng cho biết chúng ta không cố tìm F0 và coi bất cứ người bệnh nào cũng là F0 để khoanh vùng dịch tễ.
GS Long cho biết chỉ 1 tuần, Việt Nam có hơn 100 ca mắc và 3 ca tử vong. Ở giai đoạn trước chúng ta nỗ lực không để ca nào tử vong nhưng giai đoạn này rất khó vì bệnh nhân đều có bệnh lý nền sẵn, bệnh nhân nặng và chỉ cần 1 bất thường nhỏ cũng có thể khiến họ nguy hiểm hơn.
Nắm bắt được điều đó nên tổ điều trị của Bộ Y tế đã làm việc ngày đêm với quyết tâm giảm thiểu nhất số ca tử vong.
Các nhóm tinh nhuệ hàng đầu về điều trị từ Bắc và Nam đều tập trung về cho Đà Nẵng. Ngoài ra, đội ngũ các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam hội chẩn trực tuyến liên tục. Đến nay đã có 6 lần hội chẩn quốc gia, mỗi cuộc hội chẩn kéo dài 4,5 tiếng để tìm ra các biện pháp tối ưu nhất cho các bệnh nhân nặng.
Đến thời điểm này, GS Long nhấn mạnh “Có thể nói ta đã huy động lực lượng cả nghìn người để phòng chống dịch trên tinh thần ngăn chặn bằng được, càng sớm càng tốt, giảm thiểu tối đa ca tử vong trong đợt này. Hiện nay tiểu ban điều trị làm việc đêm ngày để điều trị cho bệnh nhân, chúng ta vẫn tăng cường hơn nữa” - GS Long nói.
Đợt dịch này, GS Long cho rằng các địa phương phải có sẵn kịch bản vì không chỉ dừng ở Đà Nẵng mà có xu hướng xảy ra ở các địa phương khác như Quảng Nam dù có giãn cách nhưng vẫn có thể phát hiện thêm ca bệnh. Các tỉnh thành Hà Nội, Huế, TP.HCM đều là các tỉnh có nguy cơ cao và khả năng thêm ca bệnh rất lớn.
Việc điều tra, kiểm soát những người đã đi đến Đà Nẵng để kiểm tra y tế, cách ly phải tiến hành khẩn trương. Những người đến địa điểm Bộ Y tế thông báo phải xét nghiệm.
GS Long cho rằng y tế cơ sở cần thực hiện đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát từng đối tượng, không được để sót những người có liên quan đến Covid-19 tại Đà Nẵng.
Hiện nay, Bộ Y tế đã trao đổi, thống nhất BHXH Việt Nam cho phép thanh toán BHYT với các ca xét nghiệm tại Bệnh viện (theo hướng dẫn) để mở rộng hơn nữa vấn đề xét nghiệm.
Khánh Chi
Vì sao bệnh nhân Covid-19 dễ bị nhồi máu cơ tim?
Theo thông báo của Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống Covid-19, bệnh nhân đầu tiên tử vong ở Việt Nam là do nhồi máu cơ tim trên nền bệnh lý tim mạch, suy tim, suy thận kèm theo mắc Covid-19.