Vì sao sống chung nhà với F0 vẫn âm tính, 3 tình huống có thể xảy ra
Có nhiều người khi cả gia đình xét nghiệm dương tính nhưng riêng bản thân lại âm tính. Các bác sĩ cho rằng có 3 tình huống có thể xảy ra.
Chị Lê Quỳnh Trâm – Phường 8, quận 6, TP.HCM, chia sẻ trong gia đình chị có 5 người bao gồm vợ chồng, hai con chị và một người em họ của chồng sống cùng. Tuy nhiên, khi chị Trâm bị sốt, đau họng test nhanh ra dương tính. Sau đó test thêm các thành viên khác thì tất cả đều dương tính, riêng chồng chị Trâm âm tính.
Trong thời gian cách ly theo dõi tại nhà, chồng chị Trâm ngủ riêng phòng và hàng ngày một mình anh nấu ăn cho các thành viên khác nhưng khi cả nhà âm tính hết chồng chị cũng vẫn không bị nhiễm bệnh. Chị Trâm băn khoăn không biết vì sao có hiện tượng như vậy.
Không riêng gì gia đình chị Trâm, rất nhiều gia đình sống chung nhưng trong nhà còn 'sót' 1, 2 người âm tính không nhiễm Covid-19 có phải do đề kháng tốt hoặc lý do nào đó?
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM, trong làn sóng dịch do biến chủng Delta gây ra các ca mắc đều lây trong gia đình (nếu gia đình có người mắc), cả nhà trở thành F0, tuy nhiên, có nhiều người sống chung nhà với F0 nhưng luôn luôn âm tính. Với những trường hợp như vậy có 3 giả thuyết xảy ra.
Trường hợp thứ nhất, bác sĩ Khanh cho biết người âm tính là người có thể đã bị bệnh từ trước, người bệnh đầu tiên của cả gia đình rồi lây cho người khác, sau đó khỏi bệnh nên khi test nhanh thậm chí test hẳn PCR vẫn âm tính.
Người âm tính trong nhà là người đã nhiễm nhưng không có triệu chứng gì, tự khỏi, còn các thành viên khác có triệu chứng, có thời gian ủ bệnh tương tự nhau nên khi test ra dương tính.
Ảnh phát thuốc cho F0 tại nhà ở TP.HCM. |
Những người đã nhiễm Covid-19 khỏi thì khó có khả năng tái nhiễm, một số người miễn dịch quá kém thì có khả năng tái nhiễm sau 6 tháng.
Người nhiễm Covid-19 đã khỏi về nguyên tắc có thể cả đời không nhiễm lại hoặc cũng có thể 6 tháng đến 1 năm tái nhiễm, vì vậy WHO khuyến cáo sau mắc Covid-19 6 tháng có thể tiêm thêm mũi vắc xin. Người sau khi đã khỏi bệnh là người an toàn nhất trong môi trường Covid-19.
Trường hợp thứ 2, cả nhà có người âm tính, có người dương tính là do người âm tính nồng độ virus thấp nên khi xét nghiệm test nhanh không lên được hai vạch. BS Khanh cho rằng người này vẫn cần phải xét nghiệm lại vì có thể thời gian nữa sẽ lên dương tính. Test nhanh hiện nay có kết quả chính xác rất cao nên người dân không nên quá lo lắng chất lượng test.
Nếu ban đầu cả nhà 3, 4 người dương tính, sót người âm tính thì vẫn cần cách ly người âm tính đến khi nào cùng âm, cùng dương mới hoà nhập sinh hoạt chung.
Trường hợp thứ 3, do đã tiêm vắc xin Covid-19 đầy đủ nên nguy cơ bị mắc cũng giảm nhiều. Bởi vì đến nay đã chứng minh người tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19 đầy đủ, có kháng thể tốt thì khả năng nhiễm cũng giảm, khả năng trở nặng khi nhiễm bệnh cũng giảm hơn người khác.
Số người tiêm đủ 2 mũi vắc xin, nhiễm bệnh, trở nặng sẽ ít hơn người chưa tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin rất nhiều.
Mỗi người có ngưỡng chịu đựng với virus khác nhau nên khi nhiễm bệnh cũng có người có triệu chứng, có người không, có người tải lượng virus thấp, người tải lượng virus cao điều đó hoàn toàn bình thường, vì vậy, không nên quá lo lắng, hoảng loạn - BS Khanh cho biết.
Người dân tập trung các biện pháp phòng bệnh cho hộ gia đình như đảm bảo vệ sinh cá nhân tốt; hắt hơi, ho khạc và sau khi vệ sinh mũi phải rửa tay; sau khi rửa tay, dùng khăn lau sạch và khăn giấy lau khô; không dùng khăn chung; chú ý ăn uống cân bằng; căn cứ mùa để tăng giảm áo mặc; vận động định kỳ; nghỉ ngơi đầy đủ; giảm nhẹ áp lực và tránh hút thuốc, tăng sức đề kháng của cơ thể; đảm bảo không khí trong nhà thông thoáng, thường xuyên mở hết các cửa sổ, cho không khí lưu thông; đảm bảo máy điều hòa tính năng tốt, thường xuyên tẩy rửa lưới lọc; tránh đi đến nơi công cộng có người đông đúc, không khí không thông thoáng.
K.Chi
Phòng Covid-19, chị em mách nhau sắc xuyên tâm liên uống, bác sĩ khuyến cáo gì?
“Xuyên tâm liên + 5K, tránh tụ tập đông người nên cả họ nhà mình ở Sài Gòn và Hà Nội may mắn đến giờ chưa ai bị đánh số F0”.
Giám đốc Bệnh viện Phụ sản hướng dẫn mẹ bầu chăm sóc sau tiêm chủng vắc xin Covid-19
Với bất cứ ai khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 đều có thể gặp phản ứng phụ như đau tại chỗ tiêm, sốt, mệt mỏi… nhưng với bà bầu thì xử lý các biến chứng này như thế nào cho an toàn?