Thuốc trị Covid-19 bán từ vài triệu đến gần chục triệu/hộp, F0 tại nhà sốt ruột ngóng chờ được cấp phát
Trong khi các thuốc kháng virus trị Covid-19 không được bán ra bên ngoài, bệnh nhân theo dõi tại nhà sẽ được phát thuốc điều trị nhưng trên các trang mạng nhiều người rao bán thuốc này.
Gần chục triệu đồng lọ
Nhiều F0 điều trị tại nhà lo lắng vì chậm được cấp thuốc Molnupiravir để điều trị. Mặc dù, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề nghị Trung tâm Y tế, các quận, huyện phải phát thuốc điều trị Covid-19 cho các F0 trong vòng 24 giờ kể từ khi tiếp nhận nhưng nhiều người vẫn trong tình trạng không nhận được gói thuốc C.
Gia đình anh Nguyễn Văn Kh. trú tại Quận 9, TP.HCM cho biết, khi cả nhà là F0 anh đã liên hệ với y tế phường và được hướng dẫn cách ly tại nhà, sẽ được cấp phát thuốc xuống gia đình. Tuy nhiên, gói thuốc anh nhận chỉ là thuốc hạ sốt, vitamin không có gói thuốc C.
Anh Kh. cho biết các thuốc này (gói A) gia đình anh đã tự mua từ trước, cái anh cần là thuốc kháng virus để nhanh âm tính thì không được phát.
Sau khi test nhanh dương tính tại nhà, chị N.H.T (ngụ tại quận Gò Vấp, TP. HCM) tự đến y tế phường khai báo và cũng chỉ được cấp 2 gói thuốc A-B.
Theo chị T. khi về nhà hỏi người quen thì mới biết gói thuốc chị được cấp không có thuốc kháng virus, chị T, cũng không nhận được thông báo hướng dẫn dùng thuốc như thế nào.
Trong khi đó, trên mạng xã hội có nhiều người rao bán các thuốc kháng virus trị Covid-19 với giá tới cả chục triệu đồng.
Một người tên là Minh trú tại quận 2, TP.HCM cho biết anh có rất nhiều thuốc kháng virus dành cho bệnh nhân Covid-19 từ thuốc Molnupiravir 400 mg, Favipiravir 200mg và Remdesivir.
Các loại thuốc này được nhập khẩu dành cho các F0. Theo hướng dẫn của anh Minh thuốc này rất đắt, hiếm không có hàng để bán. Ví dụ một lọ Molnupiravir của Mỹ có giá 9,5 triệu đồng/hộp/40 viên dùng cho 2 F0. Bán cả hộp không bán lẻ.
Thuốc Molnupiravir nằm trong gói thuốc C nhưng luôn khan hiếm không đủ phát cho F0. |
Hay thuốc Favipiravir 200mg của Ấn Độ cũng có giá 2,9 triệu đồng/lọ/20 viên dùng cho 1 người trong vòng 5 ngày. Theo Bộ Y tế, loại thuốc này có tác dụng ngăn ngừa bệnh tiến triển nghiêm trọng, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh hơn và giảm gánh nặng điều trị bằng cách rút ngắn thời gian nằm viện. Thuốc giúp sớm loại bỏ virus để hạn chế lây nhiễm bệnh trong cộng đồng.
Anh Minh cho biết số người có nhu cầu mua thuốc này rất nhiều, đôi khi không có hàng để bán.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Tân, TP.HCM bắt giữ hai nhân viên y tế về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Công an xác định, đối tượng là nhân viên quản lý kho dược của Trung tâm Y tế quận Bình Tân, có nhiệm vụ tiếp nhận thuốc kháng virus Molnupiravir 400 mg từ Sở Y tế TP. HCM cấp phát để phân phối xuống Trung tâm Y tế 10 phường, nhưng lại tuồn bán ra ngoài thị trường với giá cắt cổ. Từ Molnupiravir có giá từ 2,5 đến 4 triệu đồng/hộp, qua các vòng trung gian rồi bán cho người dân có giá từ 5,5 đến 6 triệu đồng/hộp.
Theo PGS Nguyễn Hữu Đức – nguyên giảng viên khoa Dược, Đại học Y Dược TP.HCM, thời gian qua, Bộ Y tế luôn tiếp cận các phương pháp điều trị mới trên thế giới và liên tục cập nhật phác đồ điều trị bệnh nhân Covid-19.
Ngoài các thuốc kháng virus, Việt Nam đang dùng các thuốc kháng viêm, corticoid, thuốc kháng đông... để điều trị bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, tất cả thuốc này phải được chỉ định của bác sĩ và giám sát chặt chẽ không phải mua về dùng như các thuốc hạ sốt thông thường.
Thậm chí, các đối tượng dùng thuốc cũng phải cẩn trọng. Ví dụ như phụ nữ mang thai và đang cho con bú không sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir trong điều trị Covid-19 tại nhà. Người bệnh không triệu chứng thì không sử dụng thuốc, nếu chuyển sang tình trạng bệnh trung bình hay nặng hơn phải ngưng dùng thuốc.
Thuốc được sử dụng cho những F0 từ 18 đến 65 tuổi có kết quả test RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên dương tính với Covid-19 và có các triệu chứng ở mức độ nhẹ như: sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi. Không có các dấu hiệu viêm phổi hoặc thiếu oxy, nhịp thở ≤ 20 lần/phút, SpO2 ≥ 96%. Đồng thời, người bệnh đồng ý và thực hiện đúng theo bản cam kết tham gia chương trình.
Sở Y tế TP.HCM yêu cầu người điều trị thuốc kháng virus tại nhà ký cam kết sử dụng đúng mục đích, thuốc không sử dụng hết phải hoàn trả cho nhân viên y tế, tuyệt đối không chia sẻ cho người khác, kể cả người thân trong gia đình thì không có lý do gì người bệnh có thể tự mình mua thuốc uống – PGS Đức cho biết.
Khánh Chi
Bệnh viện dã chiến đóng cửa đã lâu nhưng bác sĩ, tình nguyện viên chưa nhận được phụ cấp
Mặc dù bệnh viện đã đóng cửa hơn 1 tháng, các đơn vị khác đã được nhận phụ cấp chống dịch nhưng các y bác sĩ, tình nguyện viên tham gia chống dịch tại Bệnh viện Dã chiến số 1, TP.HCM chưa được nhận.
Hà Nội: Đưa F1 đi cách ly tập trung chậm nhất 12 tiếng sau khi có kết quả xét nghiệm
Mỗi phường, xã, thị trấn có bình quân ít nhất 150 giường bệnh, đưa F1 đi cách ly tập trung chậm nhất sau 12 tiếng có kết quả xét nghiệm .