Từ ổ dịch ở BV Việt Đức, chuyên gia hiến kế để không bùng dịch tại các bệnh viện
'Nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện rất cao, tốt nhất không cho người nhà vào chăm bệnh nhân trong bệnh viện mà phải chi trả khoản tiền cho những người ở trong bệnh viện phục vụ'.
PGS. TS Nguyễn Huy Nga: "Tốt nhất không cho người nhà vào chăm bệnh nhân trong bệnh viện mà phải chi trả khoản tiền cho những nhân viên trong bệnh viện phục vụ bệnh nhân" |
Đây là quan điểm của PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nhận định về việc lây nhiễm trong bệnh viện sau khi phát hiện nhiều trường hợp mắc Covid-19 tại BV Việt Đức.
Tính đến 12h trưa 2/10 đã có 28 ca mắc Covid-19 liên quan đến BV Việt Đức, trong đó riêng Hà Nội đã ghi nhận 22 ca. Trong số này, nhiều ca bệnh đã được ra viện mới phát hiện dương tính.
Câu hỏi được đặt ra, liệu số ca mắc Covid-19 tại Bệnh viện Việt Đức có còn tiếp tục tăng lên trong những ngày tới? Làm sao để ngăn bùng phát dịch trong các cơ sở y tế nói chung và bệnh viện nói riêng?
Trao đổi với phóng viên Infonet về những nội dung này, PGS. TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, việc phát sinh ca mới tại BV Việt Đức là “chuyện bình thường”.
“Vì dịch hiện đã lây lan ra cộng đồng cho nên xét nghiệm lúc này dương, mai kia lại âm là bình thường. Vấn đề bây giờ là phải xem lại, xác định nguồn lây ở đâu. Xem xét những trường hợp mắc bệnh có triệu chứng hay không, có nhiều người phải nằm viện hay không? Nếu không có triệu chứng, không diễn biến nặng thì coi như là bình thường”, PGS. TS Nguyễn Huy Nga bày tỏ.
Ông Nga nhấn mạnh, sau trường hợp xảy ra ở Bệnh viện Việt Đức, đã đến lúc tất cả các bệnh viện phải tăng cường hơn nữa công tác giám sát. Ít nhất những người đến viện phải được xét nghiệm ngay hoặc sau khi nhập viện cũng cần được xét nghiệm luôn và xét nghiệm định kỳ. Việc xét nghiệm nhằm biết tình trạng bệnh.
“Nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện rất cao, theo tôi những người đến bệnh viện cần phải có sàng lọc theo quy định của Bộ Y tế (phân luồng, xét nghiệm) đặc biệt là những người bệnh nội trú.
Tốt nhất là không cho người nhà vào chăm sóc, thăm bệnh nhân trong bệnh viện. Người nhà phải chi trả khoản tiền để cho những người ở trong bệnh viện phục vụ. Những người phục vụ trong bệnh viện cũng phải được tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19.
Người đi khám, người nằm viện cần phải tuân thủ tuyệt đối 5K (đeo khẩu trang, rửa tay xà phòng, nếu có hiện tượng phải khai báo y tế)”, PGS. TS Nguyễn Huy Nga bày tỏ.
Đã có 28 trường hợp dương tính với SARS- CoV- 2 liên quan đến Bệnh viện Việt Đức |
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hành phòng chống dịch trong bối cảnh Hà Nội đang trong lộ trình nới lỏng giãn cách.
Bởi theo ông Hùng, người dân hơn lúc nào hết cần phải tuân thủ các nguyên tắc 5K. Vấn đề về mang khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách, khai báo y tế của người dân… cần được chính quyền tiếp tục tuyên truyền và giám sát chặt hơn.
Cụ thể với Bệnh viện Việt Đức, nhiệm vụ cấp bách lúc này được PGS. TS Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh với phóng viên Infonet đó là cần "giải toả người nhà bệnh nhân, đảm bảo các biện pháp 5K và tiến hành test 1-2 ngày/lần".
Liên quan đến ổ dịch ở Bệnh viện Việt Đức, sáng nay Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản hoả tốc gửi các bệnh viện Trung ương, Bộ, Ngành đóng trên địa bàn Hà Nội; Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập; 30 Trung tâm Y tế quận/huyện/ thị xã về việc rà soát người liên quan đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.
Theo đó, để đảm bảo công tác an toàn phòng, chống dịch, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị khẩn cấp thực hiện rà soát các trường hợp đã đến, ở, về từ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức từ ngày 19/9 bao gồm làm việc, học tập, cung cấp dịch vụ, khám chữa bệnh, chăm sóc người bệnh... Lập danh sách những người có liên quan và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch: cách ly tạm thời, khai thác dịch tễ, lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm sàng lọc, chẩn đoán để phát hiện ca bệnh kịp thời.
Sở Y tế yêu cầu lãnh đạo các cơ sở y tế yêu cầu nhân viên y tế trong quá trình làm việc cũng như trong sinh hoạt tại cộng đồng luôn ý thức được “Bệnh viện là thành trì cuối cùng” trong phòng chống dịch Covid-19, từ đó nâng cao tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân... Áp dụng các nguyên tắc 5K đối với tất cả nhân viên y tế, người lao động của đơn vị dịch vụ thuê ngoài, người bệnh và người nhà bệnh nhân.
Tổ chức các khu vực, ca làm việc hợp lý, hoạt động độc lập, giảm thiểu tối đa nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp với nhau trong ca làm việc và giữa các ca làm việc với nhau. Hạn chế tối đa việc di chuyển của nhân viên y tế giữa các khoa, phòng. Áp dụng hình thức họp, giao ban trực tuyến, làm việc trực tuyến phù hợp với khối hành chính.
Sở Y tế cũng yêu cầu các cơ sở thực hiện nghiêm túc việc xét nghiệm sàng lọc, đánh giá nguy cơ đối với cán bộ, nhân viên y tế, người lao động, bệnh nhân, người chăm sóc... theo у hướng dẫn tại công văn số 5028/BYT-KHTC ngày 23/6/2021 và Công điện 1168/CĐ-BYT ngày 7/8/2021 của Bộ Y tế về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Trường hợp người bệnh cần cấp cứu, phẫu thuật khi chưa có kết quả xét nghiệm sàng lọc, Sở Y tế chỉ đạo áp dụng như với đối tượng người nghi nhiễm SARS-CoV-2 cho tới khi có kết quả xét nghiệm âm tính.
Xuất hiện ca bệnh trong bệnh viện, ca cộng đồng khó tránh khỏi?
Theo BS Trương Hữu Khanh, các địa phương đều phải chủ động vì bệnh viện là môi trường dễ lây bệnh Covid-19 nhất.
N. Huyền