Xuất hiện ca bệnh trong bệnh viện, ca cộng đồng khó tránh khỏi?
Theo BS Trương Hữu Khanh, các địa phương đều phải chủ động vì bệnh viện là môi trường dễ lây bệnh Covid-19 nhất.
BS Trương Hữu Khanh – Chuyên gia truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết khi mở cửa dần trở lại thì đối với các địa phương có số ca mắc ít như Hà Nội, việc xuất hiện rải rác các ca ngoài cộng đồng không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, ở môi trường bệnh viện thì hết sức cẩn trọng vì đây là môi trường dễ lây, đối tượng tiếp xúc nhiều hơn và có thể tạo ra các ổ dịch ở các địa phương.
Vì vậy, khi tới các cơ sở y tế người dân cần tuân thủ phòng chống dịch.
Các biện pháp phòng chống dịch quan trọng đó là tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Đây là biện pháp quan trọng, giúp phòng ngừa và giảm biến chứng nặng của Covid-19.
Hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp với người khác, đặc biệt trong không gian kín. Không đi ra ngoài nơi tập trung đông người. Giữ khoảng cách tiếp xúc trên 2 mét. Đeo khẩu trang khi ra ngoài. Quan trọng là khẩu trang phải kín, không được chạm vào mặt ngoài khẩu trang, không kéo xuống cằm để nói chuyện, không nên dùng một chiếc khẩu trang nhiều lần. Khẩu trang vải cần giặt sạch và phơi khô sau mỗi lần sử dụng.
Xét nghiệm cho nhân viên tại BV Việt Đức. |
Rửa tay thường xuyên. Nếu không có xà phòng và nước, hãy dùng dung dịch sát trùng tay chứa tối thiểu 60% cồn.Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng khi chưa rửa tay.
Khi ho hoặc hắt hơi, hãy dùng khăn giấy hoặc mặt trong khuỷu tay che miệng, sau đó hãy rửa tay.
Làm sạch và khử trùng các bề mặt và đồ vật thường chạm vào bằng dung dịch tối thiểu 60% cồn.
Nếu bạn là người đã tiêm vắc xin, đặc biệt trong gia đình người lớn tuổi đã chích ngừa, nơi mình tới đã chích ngừa, người nguy cơ bệnh nặng đã được chích ngừa thì có thể xem Covid-19 như sốt siêu vi, sốt xuất huyết và sống chung với nó. Hiện tại, không thể coi xung quanh mình là không thể có virus.
Với đà vắc xin như hiện nay, thì phải hết năm nay mới có thể hi vọng bình ổn trở lại vì vậy người dân cũng không nên hoang mang khi có ca bệnh rải rác trong cộng đồng.
Liên quan tới phát hiện ca bệnh trong BV Việt Đức, GS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết ngay từ chiều ngày 30/9, cơ sở y tế này đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội và tạm thời phong tỏa tòa nhà D, lấy mẫu toàn bộ người nhà, bệnh nhân, nhân viên y tế trong tòa.
Các lãnh đạo BV đưa ra phương án cho BV khi có ca F0. |
Tổng số mẫu được lấy khoảng 1.400 người. Đêm qua, đội ngũ lấy mẫu xét nghiệm xuyên đêm và đến sáng nay vẫn tiếp tục lấy mẫu. Thống kê đến trưa 1/10, tổng số mẫu được lấy là khoảng 4.000. số mẫu bệnh phẩm dương tính, nghi ngờ nhiễm SARRS-CoV-2 đều tập trung tại tầng 7 và 8 của viện (khoa Ung bưới và khoa Tiêu hóa). Các mẫu bệnh phẩm nghi ngờ đang chạy lại mẫu đơn để khẳng định.
Sau khi có kết quả xét nghiệm của số mẫu trên, căn cứ vào đó để có phương án phòng chống dịch tiếp theo, nếu phong toả, chỉ nên tiến hành ở những khu vực có nguy cơ cao, rất cao.
Hiện, bệnh viện tạm ngưng tiếp nhận bệnh nhân thông thường để thực hiện giãn cách, chỉ tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu và bệnh nhân thận nhân tạo. Tuy nhiên, việc tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu phải bố trí luồng riêng và phải sàng lọc kỹ.
K.Chi