Thực hư virus đậu mùa khỉ lây qua đường tình dục?
Tổ chức Y tế thế giới WHO đã công bố tình trạng khẩn cấp về bệnh đậu mùa khỉ. Hiện đã có hơn 167 nghìn ca mắc ở các quốc gia trên thế giới.
Nhiều thông tin cho rằng đậu mùa khỉ lây qua đường quan hệ tình dục đồng giới, tuy nhiên, theo bác sĩ Trương Hoàng Hưng – Texas, Hoa Kỳ, bệnh đậu mùa khỉ có nhiều đường lây khác nhau.
Virus gây đậu mùa khỉ là virus trong dòng họ của virus đậu mùa, vì lần đầu tiên gây hai đợt dịch trên khỉ trong phòng nghiên cứu năm 1958 nên được gọi là đậu mùa khỉ, chứ không phải là từ khỉ mà ra.
Triệu chứng thường hay gặp là các triệu chứng như cúm nhưng không có ho kèm theo phát ban mụn đỏ lớn dần thành mụn mủ và vỡ ra.
Theo bác sĩ Hưng, các đường lây nhiễm đậu mùa khỉ:
- Tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ sang thương da, lớp mài trên da, hay dịch tiết cơ thể. Bệnh nhân ở giai đoạn ban chuyển thành mụn mủ và vỡ ra là giai đoạn dễ lây lan nhất.
- Dịch tiết đường hô hấp, tuy nhiên không phải từ giọt bắn như Covid-19 vì thường bệnh nhân không ho mà phải do tiếp xúc gần mặt với mặt, thân mật như hôn, ôm ấp, khám răng lẫn nhau, quan hệ tình dục.
Khi quan hệ tình dục lây bệnh đậu mua khỉ là do việc tiếp xúc với dịch tiết hô hấp trong khi quan hệ hoặc tiếp xúc với niêm mạch có virus chứ không phải qua đường tinh, dịch tiết ở cơ quan sinh dục.
Hiện tại chưa biết rõ có virus trong tinh dịch hay dịch âm đạo hay không, nên chưa biết được có lây qua đường này hay không.
Triệu chứng của đậu mùa khỉ. |
- Chạm vào các vật dụng, quần áo đã từng tiếp xúc với dịch tiết từ vết thương trên da hay dịch tiết cơ thể.
- Lây từ mẹ sang bào thai qua nhau thai.
- Ngoài ra có thể còn bị lây từ động vật nhiễm bệnh qua vết cắn, cào xước, hay ăn thịt động vật nhiễm bệnh.
Người mắc đậu mùa khỉ có thể lây lan cho người khác từ lúc triệu chứng bắt đầu cho đến khi các vết thương trên da lành hoàn toàn, thường 2-4 tuần.
PGS Đỗ Văn Dũng – Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y dược TPHCM, cho biết, đậu mùa khỉ lây qua nhiều con đường khác nhau. Bệnh lây truyền khi tiếp xúc trực tiếp gần, qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
Hiện đậu mùa khỉ lây ở nhóm quan hệ tình dục đồng giới nhiều hơn. PGS Dũng cho rằng có thể đây là hình thức tiếp xúc, tần suất tiếp xúc của họ chứ không phải lây qua đường tình dục.
Tỷ lệ người quan hệ tình dục đồng giới cao hơn cũng do nhóm người này tiếp xúc quan hệ tình dục rộng hơn, bạn tình ở nhiều quốc gia nên làm nguy cơ lây tăng lên.
Đánh giá về bệnh đậu mùa khỉ, PGS Dũng cho rằng người dân không nên chủ quan. So với Covid-19 đậu mùa khỉ lây lan chậm hơn. Nếu bệnh Covid-19 ở chủng truyền thống từ Vũ Hán tỷ lệ lây 1:2, chủng delta tỷ lệ lây nhiễm 1:4, 5 thì đến chủng Omicron tỷ lệ lây nhiễm cao hơn nhiều.
Nhưng với dịch đậu mùa khỉ tỷ lệ lây nhiễm hiện nay chỉ có 1:1. Với khả năng lây lan chậm hơn thì việc kiểm soát, chặn nguồn lây của bệnh dễ hơn dịch Covid-19.
Với người dân, để phòng bệnh, PGS Dũng khuyến cáo, tốt nhất là nên giữ vệ sinh cơ thể. Nếu tiếp xúc với người nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ cần theo dõi sát sao, báo cơ sở y tế. Việc xét nghiệm để chẩn đoán đậu mùa khỉ, theo PGS Dũng, đây không phải là rào cản vì đậu mùa khỉ có lâm sàng đặc trưng giống bệnh đậu mùa cũ. Các trường hợp bệnh nhân chẩn đoán trên lâm sàng khi đi xét nghiệm virus thì 90 % khẳng định là chính xác.
Bộ Y tế cho biết từ 1/1/2022 đến 23/7/2022, WHO đã ghi nhận hơn 160 nghìn trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 5 trường hợp tử vong tại 75 quốc gia ở tất cả 6 khu vực. Tại khu vực châu Á, các quốc gia cạnh Việt Nam như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc đã ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ.
Vì vậy, WHO chính thức ban bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu bởi tốc độ lây lan. Tuy nhiên, WHO cũng thừa nhận "còn nhiều thông tin về bệnh cần được nghiên cứu và tìm hiểu thêm, đặc biệt là về phương thức lây truyền của virus".
Khánh Chi