Chuyên gia chỉ cách bảo vệ 'chốt chặn cuối cùng' phòng chống Covid-19
Pha nước muối thật mặn, dùng nước súc họng xong lại nuốt, hay xịt mũi quên chưa rửa tay… đó là những sai lầm cơ bản của người dân khi vệ sinh mũi họng - “chốt chặn cuối cùng” phòng dịch Covid- 19.
Xịt mũi, súc họng đúng cách có thể ngăn ngừa SARS- CoV- 2 (ảnh minh hoạ) |
Xịt, rửa mũi như thế nào cho đúng cách?
Chia sẻ với phóng viên Infonet, PGS.TS.BS. Phạm Thị Bích Đào, BV ĐH Y Hà Nội cho biết, vi rút SARS- CoV- 2 tấn công vào phổi, tim và các mạch máu của cơ thể con người để hủy hoại, làm cho bệnh diễn biến nặng nề và có thể tử vong do suy tuần hoàn và suy hô hấp.
Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng đường vào duy nhất của SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 tới mỗi cá nhân là các tế bào niêm mạc mũi và họng. Vì thế, PGS. TS Phạm Bích Đào cho rằng “nếu biết cách bảo vệ mũi họng hàng ngày, có thể giúp phòng chống bệnh Covid-19”.
Với 30% triệu chứng của người bệnh mắc Covid-19 có biểu hiện mất khứu giác hoặc mất vị giác, để ngăn chặn SARS-CoV-2 tại mũi họng, BS Bích Đào khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh đơn giản “ngăn” vi rút xâm nhập vào “chốt chặn” cuối cùng.
Đó là việc người dân cần làm sạch niêm mạc mũi họng, qua đó giảm lượng kháng nguyên xâm nhập vào cơ thể, trong đó có các loại vi rút. Làm bong lớp bảo vệ trên bề mặt của vi rút qua đó làm bất hoạt vi rút gây bệnh.
“Người dân cần sử dụng nguyên lý khử khuẩn giống như nguyên tắc loại bỏ vi khuẩn, vi rút trong động tác rửa tay bằng xà phòng”, PGS. TS Phạm Bích Đào cho hay.
Theo PGS. Bích Đào, nhiều loại thuốc rửa mũi, xịt mũi, súc họng, xịt họng được bào chế theo các nguyên lý nói trên. Như vậy, trong thành phần thuốc xịt mũi, súc họng là các chất kháng viêm, khử khuẩn, làm sạch… với nồng độ phù hợp với môi trường của niêm mạc mũi họng.
“Ví dụ: nước muối sinh lý 0,9% pha với iod pha loãng có thể sử dụng cho niêm mạc mũi họng để nhỏ hoặc súc họng, ngậm họng ngày 2 - 3 lần trong 5 phút.
Các thành phần để kháng viêm và khử khuẩn thường được dùng trong thuốc xịt mũi hoặc súc họng là: Sodium bicarbonate, sodium borate, sodium benzoat, menthol, nano bạc, nano nghệ…
Các hoạt chất này vừa có tác dụng làm sạch, chống viêm lại vừa có tác dụng giúp lành nhanh các tổn thương niêm mạc mũi họng do vi rút và vi khuẩn gây ra. Điều này sẽ làm cho vi khuẩn khó xâm nhập vào trong tế bào niêm mạc mũi họng và tránh gây bệnh hay lây truyền bệnh. Để các thuốc xịt mũi và súc họng có hiệu quả, bạn cần sử dụng đúng các loại thuốc này”, PGS. TS Bích Đào nhấn mạnh.
Đối với thuốc xịt mũi, chuyên gia tai mũi họng này lưu ý người dân không nên rút thuốc từ trong túi, hộp… rồi xịt mũi bởi các thuốc xịt mũi đều có quy trình chặt chẽ của nó.
Theo đó, bạn cần chú ý một số điểm sau để thuốc phát huy tối đa hiệu quả bảo vệ: Chuẩn bị trước xịt (rửa sạch tay bằng xà phòng; lắc nhẹ chai xịt mũi); Thực hiện động tác xịt (dựng chai thuốc theo phương thẳng đứng và hướng đầu xịt lên trên; ân nhẹ vào một bên mũi để bịt lỗ mũi; nhẹ nhàng bấm đầu chai xịt vào bên mũi còn lại; hít thật sâu khi bạn đang bấm chai thuốc để thuốc thấm sâu vào niêm mạc mũi; lặp lại theo chỉ định của bác sĩ, mỗi lần cách nhau 10 giây.
“Sau khi xịt thuốc xong, bạn nên: Đậy nắp chai xịt; Rửa sạch tay để loại bỏ thuốc còn dính; Bảo quản chai thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhãn thuốc”, PGS. TS Phạm Bích Đào cho hay.
Nếu tự pha nước muối, chỉ nên nhạt như nước canh
Đối với thuốc súc họng, PGS. TS Phạm Bích Đào cho biết thường dùng 2 - 4 lần/ngày, 1 - 2 ngụm đầu súc thật sạch họng, sau đó ngậm thuốc trong 5 - 10 phút rồi nhổ ra, tuyệt đối không nuốt thuốc.
“Đáng lưu ý, thuốc súc họng cũng có tác dụng không mong muốn, chống chỉ định và chỉ nên sử dụng khi có chỉ định phù hợp.
Ví dụ, eludril chỉ dùng cho người lớn và trẻ em trên 6 tuổi, betadine dùng cho trẻ em trên 30 tháng tuổi và những người không có bệnh lý về tuyến giáp. Chlorhexidine có thể gây đổi màu men răng và chất trám, gây loét, khô miệng hay thay đổi vị giác... thậm chí có thể gây phản ứng dị ứng nặng và phản vệ”, PGS. TS Phạm Bích Đào lưu ý.
Ngoài ra, nếu dùng không đúng cách, việc súc họng có thể gây sặc ở người già, dẫn tới viêm phổi do hóa chất dẫn đến tử vong.
Nếu trẻ nhỏ (cân nặng dưới 10kg) nuốt phải 30 - 60ml chlorhexidine gluconate có thể gây kích thích tiêu hóa, buồn nôn, nhiễm độc cồn...
Vị chuyên gia này cũng khuyến cáo, thuốc súc họng chỉ nên sử dụng dưới 10 ngày, trừ nước muối. Nếu sử dụng quá dài gây nên tình trạng mất cân bằng sinh thái của các vi khuẩn, vi rút tại họng, mất sức đề kháng vùng họng và càng tạo điều kiện cho mầm bệnh bên ngoài tấn công.
Đặc biệt, nhiều gia đình có thói quen tự pha nước muối ở nhà để sử dụng súc họng. Lo sợ bệnh dịch tấn công, các bà nội trợ liền “quá tay” thêm chút muối với ý nghĩ, càng mặn thì càng sát khuẩn tốt.
Tuy nhiên, PGS. TS Phạm Bích Đào cho rằng việc làm này không đúng. Thay vào đó, mọi người chỉ cần pha nước muối nhạt như nước canh là đã đủ điều kiện để sử dụng súc họng, rửa mũi mỗi ngày.
Khi nấu ăn, bệnh nhân nên sử dụng các gia vị như tỏi, hành, gừng, sả, nghệ… để vừa giúp tăng hương vị, vừa hỗ trợ điều trị bệnh.
Theo đó, mỗi bữa ăn chính nên ăn sống một số loại quả, rau thơm như kinh giới, tía tô, húng, diếp cá (khoảng 200g các loại), ½ quả ớt chuông và khoảng 10 quả cà chua bi để giúp bổ sung vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa và hoạt chất kháng sinh chống viêm tự nhiên.
Về nước uống, bệnh nhân có thể dùng gừng 50g, tỏi 50g, nghệ 50g, thìa là 50g, nước cốt chanh 50ml, sả 50g, giấm táo 50ml, mật ong 200ml. Sau đó thái nhỏ các nguyên liệu gừng, tỏi, nghệ, thì là, sả; vắt chanh lấy 50ml nước cốt. Xay nhỏ các nguyên liệu đã thái với nước cốt chanh, giấm táo. Tiếp đến đổ hỗn hợp đã xay, mật ong vào nồi, đun nhỏ lửa cho đến khi sôi 5 phút. Sau đó để nguội lọc hỗn hợp lấy nước, đun sôi lại lần nữa. Rồi đổ nước vào dụng cụ tiệt trùng (chai, lọ thủy tinh hoặc sứ) bảo quản ngăn mát dùng dần. Mỗi lần dùng 5ml, ngày dùng 3 – 4 lần. Có thể dùng ngay hoặc pha loãng với nước ấm.
(TS. Lương y Phùng Tuấn Giang)
N. Huyền
Đưa thuốc đông y Xuyên tâm liên vào điều trị BN Covid-19 có hiệu quả?
Nếu sử dụng thuốc đông y Xuyên tâm liên điều trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ thì vừa không có hại lại rẻ tiền mà không nhất thiết phải dùng kháng sinh mạnh như bây giờ.