Huyện miền núi Quan Sơn - Thanh Hóa: Nhiều đài xã xuống cấp
Hệ thống trang thiết bị kỹ thuật của hầu hết các đài ở các xã được đầu tư từ năm 2011 về trước đã lạc hậu, không có điều kiện để nâng cấp, sửa chữa nên xuống cấp nghiêm trọng.
Ông Văn Thơ, Phó Trưởng Phòng Văn hóa & Thông tin huyện Quan Sơn cho biết: Những năm qua, được Nhà nước đầu tư theo chương trình đưa thông tin về cơ sở, đến nay, toàn huyện hiện có 13 đài truyền thanh xã, thị trấn. Trong đó, có 11 đài truyền thanh cơ sở truyền dẫn vô tuyến FM (không dây), 2 đài truyền thanh cơ sở truyền dẫn tín hiệu hữu tuyến (Thị trấn Quan Sơn, xã Tam Thanh).
Tuy nhiên, 4 đài truyền thanh xã không còn hoạt động do hư hỏng nặng (Tam Lư, Tam Thanh, Sơn Thủy, Trung Thượng). Một số đài truyền thanh xã đang hoạt động nhưng một số cụm thu, loa truyền thanh ở bản xa trung tâm thu tín hiệu kém hoặc bị hỏng như các xã Sơn Hà, Trung Tiến, Sơn Điện, Mường Mìn.
Hoạt động của đài truyền thanh cơ sở chủ yếu là thu, phát sóng chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam, chương trình phát thanh của tỉnh, của huyện và phát những thông báo của địa phương, chưa xây dựng được nội dung chương trình truyền thanh của xã, thị trấn để thông tin cho nhân dân.
![]() |
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Hoạt động đài truyền thanh cơ sở trên địa bàn huyện chưa thu được kết quả như mong muốn, do Quan Sơn là huyện vùng cao biên giới, diện tích rộng, dân cư không tập trung cách xa trung tâm xã, địa hình phức tạp, nhiều vùng lõm nên đài truyền thanh các xã phát sóng không giáp tuyến đến được các bản vùng sâu, vùng xa, đồng thời chịu ảnh hưởng của thời tiết diễn biến thất thường nên việc vận hành hoạt động của đài truyền thanh gặp nhiều khó khăn. Hệ thống trang thiết bị kỹ thuật của hầu hết các đài ở các xã được đầu tư từ năm 2011 về trước đã lạc hậu, không có điều kiện để nâng cấp, sửa chữa, nên xuống cấp nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, một bộ phận cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, nên thiếu sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ cho các đài truyền thanh cơ sở. Cán bộ đài truyền thanh hưởng chế độ bán chuyên trách, hay có sự thay đổi, nhất là chưa được kinh qua đào tạo về quản lý vận hành và sản xuất chương trình, mới tập huấn ngắn hạn nên tinh thần trách nhiệm, sự tích cực trong việc vận hành hoạt động phát thanh chưa thường xuyên, có nơi, có lúc còn bỏ ngỏ.
Để truyền thanh cơ sở duy trì hoạt động và thực sự là công cụ thông tin tuyên truyền chủ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và là diễn đàn của nhân dân, tháng 4/2017, Huyện ủy Quan Sơn đã ban hành Văn bản số 194 về việc “tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, và Văn bản số 211 của UBND huyện về củng cố và phát huy hiệu quả hoạt động truyền thanh xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Theo đó, sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, Đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của đài truyền thanh cơ sở. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, thường xuyên thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, tập huấn và cử cán bộ chuyên môn kỹ thuật bám sát các xã, tận tình hỗ trợ về mặt chuyên môn, kỹ thuật cho những cán bộ còn bỡ ngỡ, chưa nắm vững nghiệp vụ. Thường xuyên bảo dưỡng trang thiết bị truyền thanh cơ sở, có biện pháp khắc phục, sửa chữa trang thiết bị xuống cấp và bị hư hỏng. Đồng thời cần có cơ chế, chính sách, đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác truyền thanh yên tâm, ổn định công tác.
“Hệ thống truyền thanh cơ sở đang rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành và sự quyết liệt tổ chức hoạt động của cấp ủy, chính quyền cơ sở để có thể khắc phục được những yếu kém và phát huy được vai trò của mình”, Phó Trưởng Phòng Văn hóa & Thông tin huyện Quan Sơn nhận xét.