Hướng học sinh đến hoạt động tương tác “trên mặt đất” cũng là bảo vệ các em trên không gian mạng
Dịch Covid-19 khiến thời gian trẻ sử dụng internet ngày càng tăng, đồng nghĩa với việc nguy cơ bị lợi dụng trên không gian mạng cũng ngày càng lớn.
Không thể phủ nhận internet đã mang lại cơ hội học tập và giáo dục cho trẻ em, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, trên môi trường “phẳng” này, nguy cơ mất an toàn đối với trẻ em ngày càng gia tăng.
Có thể nói, không gian mạng cũng là mảnh đất “màu mỡ” để đối tượng xấu có thể lợi lừa đảo, lạm dụng nạn nhân. Bởi, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nên khi bị tấn công và đe doạ, trẻ không dám kể cho những người xung quanh.
Mua bán người chỉ là một trong nhưng nguy cơ mất an toàn cho trẻ em trên không gian mạng. Thực tế, trẻ em là nạn nhân dễ bị lừa nhất trên môi trường mạng, do sự xuất hiện, tồn tại của số lượng lớn trang website đen, mạng xã hội với nhiều nguy hiểm.
Các em đối diện với nhiều nguy cơ bị dụ dỗ tham gia những hoạt động vi phạm pháp luật và dễ trở thành nạn nhân của tội phạm, như: Bị xâm hại, bạo lực học đường, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị dụ dỗ mua bán ma túy, nhất là trẻ em sinh sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn thiếu thông tin và hiểu biết chưa cao.
Ảnh minh họa |
Để phòng chống việc trẻ em bị lợi dụng dẫn đến bị mua bán trên không gian mạng cần sự chung tay của gia đình, nhà trường để giáo dục, trang bị những kỹ năng để trẻ em tự biết bảo vệ mình, đồng thời phải kiểm soát chặt chẽ trong việc dùng mạng xã hội.
Cha mẹ và thầy cô nên giới hạn thời gian lên mạng của các con, chỉ trong một giờ nhất định. Ngoài ra, cần luôn theo sát các con để kịp thời điều chỉnh những hành vi, những cách ứng xử thiếu lịch sự giữa các con trên thế giới ảo.
Ngoài ra, hãy hướng các em tới việc giao lưu, tương tác với nhau “trên mặt đất”, với những hoạt động ngoại khóa bổ ích. Đó là các cách ngăn chặn sớm những nguy cơ mất an toàn cho trẻ em trên không gian mạng.
Hoàng Thanh