Huế: Sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, giải pháp phát triển kinh tế bền vững
Bên cạnh việc xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ cũng đang được tỉnh Thừa Thiên – Huế triển khai nhiều chủ trương chính sách để phát triển. Hiện, tỉnh Thừa Thiên – Huế có khoảng 70.000 ha diện tích đất nông nghiệp nên phát triển nông nghiệp hữu cơ đang là triển vọng mang lại hiệu quả và góp phần cải thiện kinh tế cho người dân.
Trong những năm gần đây, với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền cùng các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp, nhiều hợp tác xã ở tỉnh Thừa Thiên – Huế đang chuyển dần hoặc mở rộng để phát triển nông nghiệp hữu cơ với việc xây dựng các mô hình sản xuất hữu cơ đạt hiệu quả kinh tế cao trên một số cây trồng như lúa, đậu tương, dưa hấu, rau, chăn nuôi gà, lợn...
Nhằm đưa sản phẩm sạch và bảo vệ môi trường tiếp cận thị trường, các thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Mỹ Lợi (xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) bước đầu đã làm chủ được kỹ thuật canh tác nông nghiệp hữu cơ và sản xuất được 4 loại rau, 2 loại củ và đang xúc tiến thử nghiệm thêm các loại mới. Điển hình mới nhất về việc phát triển nông nghiệp hữa cơ là Hợp tác xã nông nghiệp Quảng Thọ 2 (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) với 70ha diện tích trồng rau má gắn thường hiệu “Rau má Quảng Thọ” và đang chuyển dần từ sản xuất theo quy trình Vietgap sang trồng rau má hữu cơ khoảng 0,5ha (5 hộ) thử nghiệm do dự án nước ngoài hỗ trợ.
Ông Nguyễn Lương Đ. (trú xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) cho biết, “trồng ra má theo chuẩn hữu cơ là không dùng đến hóa chất, chỉ sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh và bán được giá. Hiện, mới trồng thử nghiệm nhưng đến thời gian thu hoạch vẫn tiêu thụ hết với việc hợp tác xã thu mua hoặc các cửa hàng thực phẩm sạch đến mua tại vườn”.
Để bao tiêu sản phẩm rau má cho người dân, thông qua sự hỗ trợ của các cấp, các ngành… Hợp tác xã nông nghiệp Quảng Thọ 2 đã tiến hành xây dựng cơ sở thu mua, nhà máy chế biến “Trà rau má” ứng dụng khoa học công nghệ trong khâu sấy khô, sục ozon, đóng gói để nâng cao chất lượng sản phẩm để tìm kiếm đầu ra. Đồng thời, Hợp tác xã nông nghiệp Quảng Thọ 2 còn tiến hành đăng ký thương hiệu, mẫu mã bao bì “trà rau má Quảng Thọ” với sản phẩm “trà rau má túi lọc” và “trà rau má sấy khô” và sản phẩm “bột Maccha rau má” cung ứng ra thị trường trong cả nước.
Hợp tác xã không chỉ tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về sản xuất rau má hữu cơ mà còn thu mua rau má hữu cơ. Đồng thời, áp dụng khoa học công nghệ vào chế biến rau má hữu cơ ra các sản phẩm và cung cấp ra thị trường – ông Nguyễn Lương Trí – Giám đốc HTX nông nghiệp Quảng Thọ 2 thông tin thêm.
Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho thấy, diện tích canh tác hữu cơ và theo hướng hữu cơ hiện nay trên toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế có 500ha với 330ha lúa và rau, chăn nuôi lợn hữu cơ 3.000 con/năm và gia cầm hữu cơ 1.000 con/năm, 21 nhà lưới với tổng diện tích hơn 52.700m2. Vừa qua, tại Hội chợ các sản phẩm hữu cơ và sản phẩm OCOP tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2022 đã quy tụ 43 gian hàng giới thiệu, mua bán các sản phẩm hữu cơ, OCOP của của 43 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh tham gia với nhiều sản phẩm hữu cơ và sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.
Điếu đáng nói, tỉnh Thừa Thiên – Huế có 21/40 sản phẩm OCOP với chủ thể là hợp tác xã, tổ hợp tác với có 9/16 sản phẩm OCOP 4 sao, 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao là của các hợp tác xã.
Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, sản xuất theo hướng hữu cơ đang là xu thế phát triển chung của ngành nông nghiệp toàn cầu. Thời gian gần đây, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có nhiều sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được sản xuất và đưa ra thị trường như gạo hữu cơ, dầu lạc hữu cơ, rau hữu cơ và các sản phẩm hữu cơ khác của các hợp tác xã, tổ hợp tác... được khách hàng, thi trường đón nhận và qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Hà Oai