Cô gái trẻ làm khay, chén, thìa từ mo cau thân thuộc thay đồ nhựa dùng một lần
Huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam) được xem là “thủ phủ” của cây cau. Tại huyện có nhiều điểm thu mua cau tươi nhưng không ai nghĩ đến chuyện hái mo cau để bán. Tưởng chừng như bỏ đi, thế nhưng Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp kỹ nghệ Quảng Nam đã tận dụng thu mua mo cau của người dân để làm những sản phẩm chén, đĩa, muỗng… thân thiện với môi trường.
Đây là mô hình khởi nghiệp của chị Phan Vũ Hoài Vui - Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp kỹ nghệ Quảng Nam. HTX được thành lập vào tháng 9/2020, ngay tại quê hương của chị, cũng là xứ sở của cau ở xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước.
Chị Vui vốn tốt nghiệp đại học ngành Kinh tế và sinh sống, làm việc 12 năm tại TP Hồ Chí Minh. Ngày ấy, thấy các đồng nghiệp ăn bữa cơm vội đựng trong hộp xốp, khay xốp, khay nhựa,... sau khi dùng xong lại vứt ra môi trường khiến chị trăn trở. Cùng với đó, đợt dịch Covid-19 đầu năm 2020 khiến công việc bị gián đoạn, chị quyết định về quê tìm hướng đi mới. “Nhìn ra hiên nhà thấy chiếc mo cau rụng, tôi nảy sinh ý định bắt tay sản xuất một sản phẩm gì đó thật sự gắn bó với thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Rồi từ đây, tôi bắt đầu tìm hiểu, lên kế hoạch, tìm người tư vấn và dồn hết tiền tích góp để rời phố về quê thành lập HTX Nông nghiệp Kỹ nghệ Quảng Nam”, chị Vui nhớ lại.
Chị Vui chia sẻ, mo, bẹ cau ở Quảng Nam rụng từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm. Đây cũng là thời điểm người dân thu mua nguyên liệu chở đến HTX bán lại. Đầu tiên, mo cau khi mới rụng được phơi khô, đưa về xưởng phân loại, sau đó mang vào nước ngâm, rửa sạch. Tiếp theo, cho vào máy ép theo khuôn khác nhau như dĩa tròn, dĩa vuông, chén to, chén nhỏ, thìa... rồi đưa vào kiểm tra chất lượng sản phẩm. Sau đó, tiếp tục đưa vào máy khử khuẩn để bảo đảm an toàn vệ sinh sản phẩm, cuối cùng là đóng gói nhập kho và phân phối.
Mỗi tháng cơ sở của chị Vui tiêu thụ từ 30.000 – 40.000 bẹ, mo cau. Giá mỗi bẹ, mo cau không đáng là bao nhưng với số lượng thu mua nhiều thì mỗi tháng một gia đình ở quê cũng kiếm được một khoản kha khá để trang trải chi phí chợ búa, học hành cho con cái.
Trong mỗi quý, giá trị thu mua bẹ, mo cau cơ sở của chị Vui là 200 triệu đồng. Hiện tại, HTX có 16 mẫu sản phẩm gồm khay, chén, đĩa, muỗng, hộp và quạt làm hoàn toàn từ bẹ, mo cau tự nhiên, thay thế hộp xốp, nhựa giúp giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường và an toàn cho sức khỏe của người sử dụng. Thoạt nhìn, các sản phẩm làm từ mo cau tựa như hình các sản phẩm làm từ vật liệu nhựa, nhôm nhưng bắt mắt và dễ nhìn hơn. Đặc biệt, những sản phẩm làm ra đều giữ nguyên hương thơm thoang thoảng của mo cau, đem đến cho khách hàng cảm giác được trở về tuổi thơ, hòa cùng thiên nhiên với những điều bình dị, mộc mạc nhất.
Chị Vui tiết lộ, với sản phẩm này chị đã tìm hiểu thị trường và chọn tập trung vào các thành phố lớn, nơi có nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng hạng sang có thị hiếu thích các sản phẩm làm từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường… Hiện sản phẩm từ mo cau của chị đã có mặt ở các thành phố lớn, nhiều khách sạn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hội An… doanh thu cũng tăng dần khi nhiều khách hàng biết đến sản phẩm. Không chỉ mang sản phẩm quê hương bay cao, bay xa, dự án Mo cau xứ Tiên còn tạo việc làm cho người lao động ở địa phương.
"Người làm việc tại Mo cau xứ Tiên có hơn 80% là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Việc phát triển của Mo cau xứ Tiên sẽ tăng nguồn thu nhập cho các thành viên hợp tác xã, giúp cho chị em phụ nữ có thêm nguồn thu nhập ổn định và giúp phụ nữ tự tin hơn trong cuộc sống của mình. Mo cau xứ Tiên trích một phần lợi nhuận giúp đỡ chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trong xã", chị Vui cho biết.
Sơn Tùng