HOSE: Lương tăng, đầu tư hệ thống "bất động"
Theo báo cáo tài chính của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), năm 2020, Sở đạt 992,88 tỷ đồng doanh thu, tăng 39% so với năm 2019.
Giá trị đầu tư “thiết bị tin học cho dự án xây dựng HOSE” vốn được kỳ vọng giúp chấm dứt tình trạng nghẽn lệnh và tạo nền tảng hệ thống cho triển khai các nghiệp vụ ứng trước chứng khoán, bán khống gần như đứng yên trong nửa cuối năm 2020.
Lợi nhuận năm 2020 tăng gần 46%
Theo báo cáo tài chính của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), năm 2020, Sở đạt 992,88 tỷ đồng doanh thu, tăng 39% so với năm 2019. Động lực tăng trưởng tập trung chủ yếu trong nửa cuối năm 2020 với khoảng 611 tỷ đồng doanh thu, tăng 58% so với 6 tháng cuối năm 2019 (nửa đầu năm 2020 đạt 382 tỷ đồng doanh thu, tăng 17% so với cùng kỳ).
Kết quả này phù hợp với thanh khoản thị trường chứng khoán liên tục gia tăng trong nửa cuối năm 2020, trong khi HOSE thực hiện cơ chế thu phí với tỷ lệ cố định trên giá trị giao dịch của nhà đầu tư.
Cụ thể, khối lượng giao dịch bình quân ngày của năm 2020 đạt gần 351 triệu chứng khoán, giá trị giao dịch bình quân ngày đạt trên 6.425 tỷ đồng, tăng lần lượt 92,66% và 55,65% so với năm 2019.
Đặc biệt, trong ba tháng cuối năm 2020, tổng khối lượng và giá trị giao dịch ghi nhận mức tăng đột biến với trên 33 tỷ chứng khoán và 662.344 tỷ đồng, tăng lần lượt 138% và 126% so với cùng kỳ năm 2019.
Số liệu từng mảng kinh doanh của HOSE cho thấy tác động tích cực từ thanh khoản thị trường gia tăng, khi doanh thu mảng dịch vụ giao dịch chứng khoán đạt 873,4 tỷ đồng trong năm 2020, tăng 45% so với năm 2019 và đóng góp 87,97% cơ cấu doanh thu.
Trong khi đó, các mảng dịch vụ niêm yết, cung cấp thiết bị đầu cuối, cung cấp dịch vụ và nghiệp vụ khác hầu như không tăng trưởng, thậm chí có mảng sụt giảm.
Doanh thu tăng mạnh và chi phí giá vốn giảm 5,45% so với năm 2019, xuống 68,8 tỷ đồng, giúp lợi nhuận gộp của HOSE trong năm 2020 đạt xấp xỉ 924 tỷ đồng, tăng 44%, biên lợi nhuận gộp đạt 93%.
HOSE hoàn toàn không tốn kém chi phí bán hàng, trong khi chi phí tài chính chỉ ghi nhận hơn 1 tỷ đồng do lỗ chênh lệch tỷ giá. Chi phí đáng kể nhất là chi phí quản lý với giá trị 117,5 tỷ đồng, chủ yếu là phí giám sát hoạt động chứng khoán nộp về Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tăng 56,7% theo thanh khoản thị trường.
Đối với hoạt động tài chính, chi phí lãi vay không phát sinh, mà chỉ ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 3,3 tỷ đồng; trong khi đó, hoạt động tài chính đem về cho HOSE 57,5 tỷ đồng doanh thu, phần lớn là lãi tiền gửi ngân hàng.
Tính chung cả năm 2020, HOSE ghi nhận lợi nhuận trước thuế 691,1 tỷ đồng, tăng 45,86% so với năm 2019; lợi nhuận sau thuế tăng tương ứng, đạt 552,84 tỷ đồng; hệ số sinh lời trên vốn chủ sở hữu và tổng tài sản bình quân trong năm 2020 lần lượt là 32,2% và 20,3%.
Giá trị đầu tư cho hệ thống công nghệ mới chững lại
Tại thời điểm cuối năm 2020, quy mô tổng tài sản HOSE đạt 3.279 tỷ đồng, tăng 1.106 tỷ đồng so với đầu năm, tương ứng mức tăng 50,89%. Đóng góp mạnh vào mức tăng này là số dư tiền và tương đương tiền các loại tăng từ 338 tỷ đồng lên hơn 1.692 tỷ đồng, tương ứng mức tăng gần 5 lần.
Tuy vậy, sự đột biến nhiều khả năng chỉ mang tính thời điểm và phần lớn số tiền đó sẽ được HOSE sử dụng để thanh toán cho các nghĩa vụ phải trả ngắn hạn khác, với giá trị 1.223 tỷ đồng đến cuối năm 2020, bao gồm phải trả cho các tổ chức phát hành (1.001,3 tỷ đồng), phải nộp về ngân sách theo khoản lợi nhuận sau trích lập các quỹ (161,6 tỷ đồng), phải trả Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về phí giám sát (59,6 tỷ đồng).
Trong khi đó, khoản tiền gửi ngân hàng ghi nhận tại khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn và là nguồn đem lại doanh thu tài chính chủ yếu cho Sở giảm hơn 410 tỷ đồng, xuống 511,8 tỷ đồng vào cuối năm 2020.
Trên báo cáo tài chính của HOSE, một khoản mục được nhà đầu tư chú ý là chi phí xây dựng dở dang của “thiết bị tin học cho dự án xây dựng HOSE”, bởi đây là dự án được kỳ vọng khi hoàn tất sẽ nâng cao năng lực giao dịch của hệ thống, giúp chấm dứt tình trạng nghẽn lệnh kéo dài suốt thời gian vừa qua, cũng như giúp tạo nền tảng hệ thống cho các nghiệp vụ ứng trước chứng khoán, bán khống đã được mở hành lang pháp lý từ đầu năm 2021.
Tính đến cuối năm 2020, giá trị dở dang ghi nhận của dự án là 342,43 tỷ đồng, tăng 57,% so với đầu năm, nhưng khá bất ngờ khi số cuối năm lại giảm so với giá trị 343,77 tỷ đồng ghi nhận tại thời điểm 30/6/2020 theo báo cáo tài chính bán niên.
Tại mục tài sản cố định hữu hình, giá trị nguyên giá máy móc, thiết bị chỉ ghi nhận tăng 5,77 tỷ đồng trong cả năm 2020, còn giá trị nguyên giá tài sản vô hình tăng 1,8 tỷ đồng do mua bản quyền phần mềm máy tính.
Giả định sự sụt giảm giá trị dở dang của dự án trên là do một phần giá trị máy móc, thiết bị được hạch toán sang khoản mục tài sản cố định, thì giá trị giải ngân cho dự án trong nửa cuối năm 2020 dường như vẫn khá chậm.
Theo kế hoạch sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển năm năm 2021 được HOSE công bố ngày 29/3/2021, năm nay, Sở đặt kế hoạch đạt doanh thu 1.065,3 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 648,3 tỷ đồng, tăng 7,3% về doanh thu nhưng giảm 6,2% về lợi nhuận so với năm 2020.
Đây được đánh giá là kế hoạch thận trọng của HOSE, bởi thanh khoản thị trường tiếp tục tăng mạnh, với giá trị giao dịch bình quân 4 tháng đầu năm 2021 đạt 16.297 tỷ đồng, gấp 3,5 lần giá trị giao dịch bình quân của năm 2020, dù đa phần các phiên giao dịch đều xảy ra tình trạng nghẽn lệnh (nếu giao dịch được thông suốt, mức thanh khoản dự kiến cao hơn). Trong những phiên giao dịch đầu tháng 6/2021, giá trị giao dịch có không ít phiên vượt mức 30.000 tỷ đồng/phiên, ngay cả khi tình trạng nghẽn lệnh tái diễn.
Nghẽn lệnh triền miên, nhà đầu tư chứng khoán thất vọng
Dòng tiền chảy mạnh vào chứng khoán, đưa thanh khoản tăng cao kỷ lục khiến hệ thống giao dịch hơn 20 năm tuổi của Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) nghẽn lệnh triền miên.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn