Hội thảo phòng, chống tảo hôn và mua bán người
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường nhận thức của thanh thiếu niên DTTS về việc mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số" (EMPoWR). Dự án nhằm tạo điều kiện cho các trẻ em gái, trai, nam, nữ thanh niên DTTS (từ 10-24 tuổi) sử dụng không gian số để hiểu và tiếp cận quyền của mình, các dịch vụ hỗ trợ và đề xuất ý kiến đến các nhà hoạch định chính sách, để không kết hôn sớm và không trở thành nạn nhân của nạn mua bán người.
Tại hội thảo, TS. Khuất Thu Hồng, Giám đốc Viện nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) trình bày những vấn đề liên quan đến phòng, chống mua bán người và tảo hôn, như: Nhận diện các hình thức mua bán người (MBN), những rủi ro gặp phải khi trở thành nạn nhân về mua bán người; các rủi ro và yếu tố nguy cơ làm tăng tình trạng tảo hôn ở địa phương; các quy định của pháp luật và chính sách hiện hành liên quan.
Trong phần nội dung thảo luận đầu tiên, các đại biểu tập trung tìm hiểu và phân tích về chủ đề phòng chống MBN, bao gồm các rủi ro về MBN, nhận diện thủ phạm và nạn nhân của nạn MBN, nhóm nguy cơ cao trở thành nạn nhân của MBN, phân tích luật pháp & chính sách về phòng chống MBN, tìm hiểu những hỗ trợ dành cho nạn nhân bị mua bán, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động thực tế của cán bộ cấp xã và trưởng các thôn/bản tại địa phương.
Ở phần thảo luận tiếp theo, các đại biểu đã phân tích các yếu tố làm gia tăng tình trạng tảo hôn tại địa phương, trong đó đặc biệt là các quan niệm “sợ ế”, “yêu là cưới” ở các em thanh thiếu niên, bất bình đẳng giới, đồng thời phong tục, tập quán như kéo vợ, thách cưới, đi sim, chợ phiên... hiện đã bị lợi dụng, biến tướng khiến tình hình tảo hôn tại địa phương trở nên phức tạp hơn. Bên cạnh đó tảo hôn hay xảy ra nhiều hơn ở trẻ em, thanh thiếu niên không đi học, chủ yếu vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, các em thường phải bỏ học sớm để tham gia lao động phụ giúp gia đình.
Các đại biểu cũng dành nhiều thời gian thảo luận về những tồn tại và khoảng trống trong chính sách, pháp luật và thực thi pháp luật liên quan đến tảo hôn và mua bán người, đồng thời cũng đưa ra một số đề xuất cải thiện để các quy định chính sách, pháp luật & thực thi chính sách pháp luật liên quan phòng chống tảo hôn, phòng chống mua bán người được hiệu quả hơn. Một số đại biểu nhấn mạnh cần huy động tối đa nguồn lực để đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống tảo hôn, phòng chống mua bán người với các hình thức mới mẻ, thu hút và hiệu quả hơn; bên cạnh đó cần bổ sung các chương trình hỗ trợ sinh kế, giới thiệu việc làm hiệu quả phù hợp với đặc thù của địa phương, các mức phạt với tội phạm MBN, tội tổ chức tảo hôn, tội tảo hôn cần nghiêm khắc hơn để tăng tính răn đe.
Từ những tồn tại, hạn chế, các đại biểu đề xuất các giải pháp giúp nhà hoạch định giải quyết hiệu quả thiếu sót về chính sách, pháp luật và thực thi pháp luật liên quan đến phòng, chống tảo hôn và mua bán người; thúc đẩy sử dụng nền tảng "Em Vui" trong các hoạt động, chương trình giáo dục, truyền thông phòng, chống tảo hôn và mua bán người; đồng thời, tăng cường củng cố, cam kết của địa phương về “Chương trình quốc gia về phòng, chống tảo hôn và mua bán người”, trong đó, nhấn mạnh vai trò của cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp xã và trưởng các thôn/bản.
Nền tảng Em Vui là một hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường nhận thức của trẻ em, thanh thiếu niên DTTS về mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số” do Phái đoàn Liên minh châu Âu và Tổ chức Plan International tại Bỉ đồng tài trợ. Được triển khai tại 11 huyện, 52 xã của 4 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình và Quảng Trị trong 3 năm (giai đoạn 2020-2023). Mục tiêu chính của dự án là hỗ trợ các thanh thiếu niên DTTS từ 10-24 tuổi, sử dụng không gian kỹ thuật số để tìm hiểu kiến thức về mạng xã hội và các kỹ năng an toàn trực tuyến, cũng như các kiến thức về tảo hôn, mua bán người để tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ.
NH