Hội Khuyến học đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của việc học tập suốt đời
Hội Khuyến học Việt Nam cho biết đã chuẩn bị tổ chức tập huấn cho các thành viên Ban chấp hành, hoàn thiện các tiêu chí, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập...
Theo báo cáo của Hội Khuyến học Việt Nam thì trong nhiệm kỳ thứ 5 (2016-2021), Hội Khuyến học Việt Nam đã thực hiện 10 nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội và Đề án năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020". Tính đến năm 2020, Hội Khuyến học đã thúc đẩy phong trào cả nước đạt: 16,6 triệu gia đình học tập; 84.785 dòng họ học tập; 49.641 đơn vị học tập; 89.048 cộng đồng học tập.
Thông qua thực hiện các mô hình học tập, tinh thần học tập suốt đời của nhân dân được nâng cao. Hiệu quả của các mô hình đạt được khá toàn diện, góp phần phát triển khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Ảnh minh họa |
Cùng với đó, Hội Khuyến học Việt Nam triển khai thực hiện Quyết định năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị".
Hiện nay, Hội Khuyến học Việt Nam đã chuẩn bị tổ chức tập huấn cho các thành viên Ban chấp hành, hoàn thiện các tiêu chí, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ thông qua việc thực hiện các mô hình học tập.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam cũng nêu lên những khó khăn như: Hạn chế trong chính sách hỗ trợ và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương; kinh phí dự án, chương trình thấp; một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; chế độ chi trả lương cho các lao động của Hội; chủ trương sáp nhập Hội Khuyến học Việt Nam với một số hội gây khó khăn và băn khoăn...
Qua đó, lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam kiến nghị: cần khoán chi ngân sách theo nhiệm kỳ, hàng năm theo cơ chế tự chủ một phần; cần có hướng dẫn thống nhất trong cả nước về hội đặc thù; không nên có quy định về độ tuổi của cán bộ Hội Khuyến học vì cán bộ về hưu đang cống hiến rất nhiều cho Hội; tổ chức các hội nghị để các hội đặc thù báo cáo, tham vấn về công tác quản lý hội, cũng như đổi mới chính sách hỗ trợ hội.
Ông Phạm Tất Dong - Cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị rằng: Cần có sự hướng dẫn thống nhất trong cả nước về tổ chức mô hình tổ chức Hội đặc thù; đề xuất triển khai nhiệm vụ đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và hỗ trợ cho chính sách cán bộ Hội; đề nghị cần có sự hướng dẫn thống nhất trên cả nước về quản lý nhà nước đối với Hội, chỉ nên quy định một cơ quan chỉ đạo và theo dõi Hội Khuyến học Việt Nam là Ban Tuyên giáo Trung ương và cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ Nội vụ.
Hoàng Thanh