Cấp thiết phải đổi mới nội dung và phương thức làm công tác khuyến học
Thời gian đầy khó khăn, thách thức vừa qua đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, cách vận động của các Hội Khuyến học trong cả nước.
Theo đại diện Hội Khuyến học Việt Nam thì trong tình hình hiện tại, bắt buộc các cấp hội phải đổi mới nội dung, phương thức và tư duy làm công tác khuyến học.
Điều này đã được Đại hội khuyến học lần thứ VI của Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh, trong đó có một số giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, thời gian tới, Hội Khuyến học Việt Nam sẽ tập trung quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức nghị quyết của Đảng, chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước cho tầng lớp nhân dân về khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập, bởi có nhận thức sâu sắc thì việc tham mưu, chỉ đạo mới đúng đắn.
Thứ hai, Hội Khuyến học phải xây dựng được một tổ chức vững mạnh, cán bộ thực sự tiêu biểu, có trình độ, kỹ năng, nhiệt huyết, am hiểu công tác hội để tham mưu cho cấp ủy phối hợp với các cấp ngành trong điều kiện hiện nay.
Thứ ba, Hội chủ động tham mưu cho cấp ủy chính quyền để làm công tác khuyến học. Thời gian vừa qua, Hội cũng đã tham mưu cho Ban Bí thư để tổng kết Chỉ thị 11, đề xuất với Chính phủ để có đề án về khuyến học thì bây giờ phải có chương trình xây dựng đơn vị học tập, công dân học tập. Đây chính là nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ tư, xác định những chương trình đổi mới công tác chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm để triển khai đến cơ sở; tăng cường kiểm tra, đánh giá hoạt động của các cấp hội cơ sở trong việc triển khai nghị quyết của Trung ương Hội cấp trên để làm sao chủ trương của hội đi vào thực tiễn cuộc sống.
Thứ năm, cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập. Xã hội hóa ở đây là mọi lực lượng đều phải tham gia công tác khuyến học, trong đó Hội Khuyến học phải đóng vai trò nòng cốt, chủ động phối hợp để mọi lực lượng cùng tham gia làm công tác khuyến học, tạo sự đồng thuận và thống nhất cao.
Thứ sáu, tiếp tục tôn vinh, tuyên dương những tập thể cá nhân trong phong trào khuyến học, khuyến tài.
Ảnh minh họa |
Một nhiệm vụ nữa là cần phát triển quỹ khuyến học ở cấp huyện, cấp tỉnh, trao đúng đối tượng và hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn, để họ có cơ hội tiếp cận với học tập; đặc biệt nhấn mạnh vai trò của việc học tập cho người lớn để noi gương cho lớp trẻ.
Trong quá trình tổ chức chỉ đạo, để đạt được những giải pháp như vậy thì Hội Khuyến học luôn quán triệt giá trị cốt lõi, đó là bám sát 4 trụ cột chính:
Trụ cột thứ nhất là truyền thống hiếu học của dân tộc và đây sẽ là động lực để phát triển các mô hình học tập giai đoạn 2021-2030, cũng là cơ sở tâm lý xã hội để triển khai xã hội học tập.
Trụ cột thứ hai là cơ sở tư tưởng "Học không bao giờ cùng", ý chí tự học suốt đời và mục đích làm cho dân tộc trở nên thông thái của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trụ cột thứ ba là mọi quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phải được cụ thể hóa trong hoạt động của hội khuyến học.
Trụ cột thứ tư là cơ sở thực tiễn, tiến hành mọi chủ trương, kế hoạch khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo tinh thần xã hội hóa.
Có như vậy, công tác khuyến học mới thiết thực, có sức sống và nhận được sự ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền.
Xây dựng xã hội học tập, công tác khuyến học, khuyến tài trong tình hình mới đòi hỏi theo định hướng mở. Người dân học theo nhu cầu cá nhân. Ý thức và định hướng đó cần được sớm hình thành ngay trong dân, trong lực lượng làm khuyến học và các cơ quan chức năng có liên quan, kể cả những người dân không thuộc tầng lớp trí thức. Trước điều kiện bùng nổ thông tin như hiện nay, mỗi “công dân học tập" đều có thể tiếp cận thông tin từ giản đơn đến cấp cao hơn, thậm chí là các thông tin mang tính bác học.
Tri thức khoa học ngày càng lớn, thì sản phẩm lao động trong mỗi công dân cũng lớn ở mức tương ứng. Sản phẩm lao động có được từ “công dân -học tập”, “xã hội học tập” do tri thức - khoa học - kỹ năng nhiều mặt mang lại ngày càng lớn, thì sản phẩm lao động cả cộng đồng ngày càng lớn. Đó là căn nguyên của sự phát triển xã hội toàn diện.
Muốn đạt mục tiêu trên, không chỉ các tổ chức khuyến học mà tất cả các cá nhân, đơn vị, cơ quan, tổ chức và mỗi công dân đều cần tham gia công tác khuyến học - theo cách riêng, điều kiện và năng lực riêng. Lấy hiệu quả và mục tiêu khuyến học là tiêu chí và thước đo những không so bì để phê phán, hạ bệ lẫn nhau.
Hoàng Thanh