Học sinh ngủ quên trong phòng thi dưới góc nhìn sức khoẻ
Học sinh ngủ quên trong phòng thi tới 40 phút mà không ai nhắc nhở em học sinh đó là hành động cực kỳ nguy hiểm vì nếu trường hợp xấu trẻ có bệnh lý thì đã bỏ qua cơ hội được cấp cứu, thậm chí tử vong.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, một thí sinh ở Cà Mau đã ngủ quên trong giờ thi nên bị điểm 0 môn tiếng Anh. Sau khi vào phòng thi, thí sinh H.N.T nhận đề thi. Em làm bài ở giấy nháp trong khoảng 15 phút rồi gục xuống bàn ngủ quên. Đến khi hết giờ, giám thị thu bài, thí sinh H.N.T chưa viết đáp án nên kết quả là 0 điểm môn thi tiếng Anh.
Theo TS.BS Đàm Văn Việt - Trưởng khoa cấy ghép răng implant, Bệnh Viện Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội, thí sinh ngủ quên trong phòng thi dẫn đến hậu quả trượt tốt nghiệp vì bị điểm 0 đã được cộng đồng bàn luận ở các khía cạnh khác nhau trên phương diện giáo dục, xã hội...
Tuy vậy, với góc nhìn y học thì hiện tượng một học sinh trong lớp học bình thường hay thí sinh trong bất kì một cuộc thi nào gục xuống bàn ngủ hay mất ý thức... dù chỉ là một vài phút cần được thày cô giáo, giám thị, bảo vệ... thậm chí là bạn học nhìn nhận ở khía cạnh tình trạng sức khoẻ của các em có vấn đề gì hay không?
Thí sinh tham gia kỳ thi tại TP.HCM. (Ảnh minh hoạ cho bài viết) |
TS Việt cho rằng thực tế có thể các em bị các bệnh lý nào đó đã gục xuống và khi không được thầy cô giáo hỏi han thì các em mất đi cơ hội được cấp cứu, thậm chí là tử vong.
Ví dụ như các bệnh lý đột quỵ, tim mạch tiềm ẩn xảy ra thì không thể đoán được hậu quả sẽ như thế nào. Ví dụ nhồi máu cơ tim thì chỉ có vài phút để cứu các em học sinh.
BS Việt cho rằng còn có rất nhiều vấn đề bất thường sức khoẻ, bệnh lý ... diễn biến đột ngột có thể xảy ra với bất cứ ai. Mỗi bệnh lý sẽ có khoảng thời gian vàng để cứu bệnh nhân. Các em đã trải qua áp lực của kỳ thi, áp lực ôn tập và sức khoẻ cũng bị ảnh hưởng theo. Để mặc thí sinh ngủ, giám thị tự bỏ qua vấn đề sức khoẻ của các em học sinh là cực kỳ nguy hiểm.
"Việc em là một học sinh giỏi trượt tốt nghiệp thì cũng buồn, nhưng hậu quả chỉ là em sẽ thi lại vào năm sau và còn cơ hội để sửa chữa sai lầm. Tuy vậy, nếu là tình trạng bất thường về sức khoẻ thì có thể cơ hội sống của học sinh đã bị bỏ qua và đó sẽ là một sai lầm trầm trọng không có cơ hội sửa chữa" - TS Việt nói.
TS Việt cho biết học sinh này học giỏi, điểm các môn của em đều cao, em không nằm trong nhóm “3,4 người nhắc còn làm không xong”,. Qua sự việc lần này, TS Việt hi vọng BGD&DT có sự nhìn nhận đa chiều, sâu sắc, trách nhiệm hơn với một hiện tượng tưởng như rất bình thường của học sinh trong lớp học cũng như trong các cuộc thi, có lẽ nó nên được đưa vào chương trình sức khoẻ học đường của ngành giáo dục.
Một khảo sát khác cũng của Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện năm 2019 với 834 học sinh tại Hà Nội và 726 học sinh tại Hưng Yên.
Kết quả, ở Hà Nội tỷ lệ học sinh khảo sát bị trầm cảm là hơn 31%, và Hưng Yên gần 19%. Gần 43% học sinh Hà Nội tham gia khảo sát có tâm trạng lo âu, trong khi tại Hưng Yên là 36,5%. Tỷ lệ trẻ stress tại Hà Nội gần 39% và Hưng Yên gần 22%.
Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng năm 2014 khảo sát tại 3 trường THPT ở Đà Nẵng, trong đó 20% học sinh nam, 10% học sinh nữ bị rối loạn tâm lý, nguyên nhân chủ yếu là áp lực học tập. Gần 58% học sinh được khảo sát cho biết bị cha mẹ la mắng vì không học tốt tại trường; hơn 59% học sinh nói kết quả học tập không như ý muốn.
Bệnh viện Tâm thần TP HCM năm 2011 có 25.000 lượt trẻ trong độ tuổi đi học (từ 3-15 tuổi) đến khám và điều trị. Năm 2012, con số này là 28.000, năm 2013 hơn 32.000, trong đó có nhiều học sinh giỏi, học trường chuyên.
K.Chi