Tập luyện quá sức ảnh hưởng tới sức khoẻ như thế nào?
Nhiều người chơi thể thao theo phong trào và cố gắng đạt mục tiêu cho mình nhưng không biết rằng vận động quá sức có thể dẫn tới nhiều hệ luỵ cho sức khoẻ.
Thạc sĩ Vũ Trần Thiên Quân – Giảng viên trường đại học Y dược TP.HCM, cho biết, tập thể dục thể thao là việc cực kỳ tốt, tạo ra thói quen có lợi cho sức khoẻ.
Ở các nước phát triển người dân tập thể dục rất thường xuyên. Ở Việt Nam thời gian gần đây cũng có nhiều phong trào tập thể dục thể thao cả ở giới trẻ, trung niên, người cao tuổi. Mọi người ý thức hơn được việc có lợi từ tập luyện. Phong trào cả nhà cùng tập luyện, bạn bè cùng tập luyện… tăng lên rất nhiều.
Khi vận động ở cường độ cao cơ thể phải huy động năng lượng nhiều. Cơ thể tiết ra hormon Adrenalin là một hormon có tác dụng làm tăng nhịp tim, tim bóp nhiều hơn, tăng cường hô hấp, hít thở sâu hơn.
Đây là một trong các hormon quan trọng. Hormon này cũng làm cho tâm trạng của bạn hưng phấn hơn. Cơ thể tỉnh táo hơn nhiều so với trước khi vận động do tác dụng của hormon Adrenalin vẫn còn.
Tuy nhiên, thạc sĩ Quân cho biết tập luyện như thế nào phụ thuộc vào từng cá nhân khác nhau. Nguyên tắc chung là tập luyện vừa sức. Bạn có thể kiểm soát được tần số tim của mình. Bạn tập làm sao tần số tim khoảng 80%. Còn cường độ thấp là 60%.
Bạn có thể sử dụng đồng hồ đo nhịp tim. Nhịp tim này phụ thuộc vào độ tuổi. Ở tuổi 20 nhịp tim 200 thì vận động tối đa 80%.
Khi tập luyện bạn không nên tập quá sức. |
Nếu tim đập mạnh hơn mức tối đa trong thời gian dài có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe, đặc biệt là với người mới bắt đầu tập luyện. Một số nguy cơ có thể xảy ra do tim đập nhanh liên tục gồm: loạn nhịp tim, đau ngực, khó chịu.
Tốt nhất, theo thạc sĩ Quân, tập luyện để vừa sức, bạn tự cảm nhận cơ thể mình. Nếu tập luyện xong mà cơ mỏi, đau kéo dài là bạn tập quá sức.
Với người mới tập luyện nên tập từ từ, tăng cường độ vừa phải. Với người thường xuyên luyện tập thì dựa vào tần số tim của mình. Làm sao bạn đạt được 80 -90% trong thời gian 15 phút, không nên tập cường độ cao quá lâu.
Lúc vận động mạnh tim phải đảm bảo cung cấp máu, năng lượng cho cơ thể nếu bạn tập với cường độ quá sức tim không có khả năng chịu nổi hoạt động đó làm cho bạn có thể rơi vào tình trạng đột quỵ. Khi gắng sức, bạn không bổ sung được nước điện giải, máu bị thoát nước cũng ảnh hưởng tới tuần hoàn và ảnh hưởng tới hoạt động của tim.
Vận động quá mức gây mất nước, mồ hôi, điện giải còn làm cho lượng dịch đến thận ít hơn cũng ảnh hưởng tới thận vì vậy bạn cần bổ sung nước thường xuyên cho cơ thể.
Đặc biệt, vận động nhiều có thể làm tiêu huỷ cơ, ảnh hưởng tới chức năng thận gây suy thận. Nhưng trường hợp này rất ít gặp. Vì vậy, khi bạn vận động chỉ cần vận động vừa phải, không gây tác dụng ngược lại với cơ thể. Tập thể thao, rèn luyện quá sức, hệ cơ xương khớp sẽ quá tải.
Tập luyện để giảm cân, BS Quân lưu ý bạn cần có chế độ ăn phù hợp, cung cấp đủ năng lượng, khi tập cần lắng nghe cơ thể của mình nếu mệt, khó chịu thì giảm cường độ xuống, không nên cố quá.
Nhiều người tập thể thao giảm cân nghĩ rằng tập càng nhiều giảm càng nhanh dẫn tới tác dụng ngược, gây mệt cho cơ thể hơn.
Trước khi lựa chọn môn thể thao có cường độ cao, nên kiểm tra sức khỏe tổng thể. Trường hợp có bệnh lý, bác sĩ sẽ hướng dẫn việc tập thể lực phù hợp, tránh rủi ro do tập luyện không phù hợp.
Khả năng tập thể lực mỗi người khác nhau, bác sĩ Quân khuyến cáo vừa tập vừa phải “lắng nghe” cơ thể mình. Nếu tập phù hợp, sau buổi tập, cá nhân đó có thể thấy thoải mái, học tập, lao động bình thường. Nhưng nếu tập xong thấy mệt mỏi nhiều, hoặc trong khi tập thấy khó chịu, khó thở, tức ngực, chóng mặt thì có thể là cảnh báo của việc đã tập hơi quá sức, cần được điều chỉnh, xem xét lại.
Khánh Chi