Học sinh đạt 9, 10 điểm vẫn không 'xuất sắc', Bộ GD-ĐT nói gì?
Chia sẻ với VietNamNet, chị P.M (phụ huynh có con đang theo học một trường tiểu học có tiếng tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, mấy hôm nay, vợ chồng anh chị ăn “không ngon, ngủ không yên” vì nghĩ đến việc cậu con trai vừa kết thúc lớp 1 và không được đánh giá là học sinh xuất sắc, trong khi cả môn Toán và tiếng Việt đều đạt điểm 9, 10 ở cả 2 học kỳ.
“Đạt điểm 9, 10 nhưng không đạt học sinh xuất sắc, không biết như thế nào nữa? Điều vợ chồng tôi lo nhất không phải là cần thành tích học sinh xuất sắc, chúng tôi lo sau này khi chuyển cấp, nếu các trường mục tiêu đưa ra tiêu chí xét tuyển đầu vào là mấy năm liền đạt học sinh xuất sắc, con bỗng dưng bị loại, dù điểm số như vậy”, chị P.M nói.
Liên quan đến vấn đề này, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT, cho biết, năm 2020, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 27 quy định đánh giá học sinh tiểu học. Quan điểm đổi mới của thông tư này là kết quả của một quá trình nghiên cứu và điều chỉnh cách đánh giá đối với học sinh ở bậc tiểu học nhằm giảm áp lực không cần thiết, mang tính khích lệ, nhân văn.
Điểm khác biệt so với cách đánh giá trước đây là việc đánh giá được điều chỉnh theo hướng giảm cho điểm, tăng cường nhận xét, coi trọng đánh giá quá trình để theo dõi sát sao, hỗ trợ, khích lệ học sinh tiến bộ so với bản thân các em.
Quy định đánh giá học sinh tiểu học tại thông tư trên cũng phù hợp với mục tiêu của chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là phát triển năng lực, phẩm chất học sinh thông qua yêu cầu cần đạt của các môn học và hoạt động giáo dục được thiết kế cho từng lớp học trong bậc học.
Trước bức xúc của một số phụ huynh ở chuyện học sinh đạt kết quả cao ở các môn chính như Toán, tiếng Việt, Ngoại ngữ nhưng bị đánh giá “hoàn thành” ở các môn như Âm nhạc, Mỹ thuật và đó lại là lý do khiến con mất danh hiệu xuất sắc, ông Tài đã lý giải.
Theo ông Tài, yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 là đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh dựa trên các môn học, hoạt động đã được thiết kế. Một năng lực có thể sẽ thể hiện chủ yếu ở một môn học nhưng vẫn liên quan tới các môn học khác. Vì thế tư duy môn chính, môn phụ cần phải thay đổi.
"Việc đổi mới đánh giá với học sinh bậc tiểu học được xây dựng theo hướng giảm bớt cho điểm, tăng cường nhận xét quá trình. Vì thế, sẽ có những môn học có bài kiểm tra cho điểm định kỳ và có môn chỉ nhận xét", Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết.
Ở lớp 1, chỉ có Tiếng Việt, Toán có bài kiểm tra định kỳ cho điểm số, lên các lớp cao hơn, có thêm một số môn học khác. Các môn được cho điểm là những môn học công cụ để học sinh sử dụng vào các lớp học sau này, những môn có hàm lượng khoa học cao. Các môn học chỉ đánh giá bằng nhận xét là các môn học mang tính đặc thù, với mục đích giúp học sinh trải nghiệm kiến thức. Nhưng không phải vì không cho điểm là môn phụ.
Ông Tài thông tin thêm: "Ở các lớp cuối cấp tiểu học, số môn học cho điểm được tăng lên so với các lớp đầu cấp vì có các môn học mới ở lớp 4, 5 cần có sự khảo sát bằng định lượng. Ngoài ra, việc thay đổi cũng nhằm giúp học sinh có thể tiếp cận dần với cách đánh giá ở bậc học tiếp theo, không bị hụt hẫng”.
Tuy nhiên, một số phụ huynh cũng đưa ra lập luận rằng các môn đặc thù như Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục… chỉ những học sinh có năng khiếu mới hoàn thành tốt được. Vậy việc quy định “hoàn thành tốt” những môn đặc thù này mới đạt học sinh xuất sắc liệu có phải yêu cầu quá cao với học sinh đại trà.
Ông Tài cho hay, ở chương trình giáo dục phổ thông 2018, các môn đặc thù không phải để rèn học sinh làm theo như trước đây hay luyện cho học sinh có năng khiếu mà giúp học sinh có hiểu biết, cảm thụ nghệ thuật để bồi đắp cảm xúc lành mạnh cho các em.
“Ví dụ ở môn Âm nhạc ở bậc tiểu học, một học sinh có giọng hát hay chưa chắc đã đạt hoàn thành tốt vì môn học yêu cầu học sinh có những hiểu biết cơ bản, hướng tới hình thành cảm xúc, khả năng cảm thụ Âm nhạc. Tương tự như ở môn Giáo dục thể chất, học sinh không phải chỉ bắt chước theo mẫu, mà học để hiểu về nguyên tắc của vận động, hiểu thể trạng của bản thân, nền tảng tạo nên sức khỏe… Từ đó, học sinh có thể lựa chọn một loại vận động phù hợp.
Yêu cầu cần đạt ở mỗi môn học, lớp học đều đã được cân nhắc phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi và phù hợp với học sinh đại trà, không phải là môn học chỉ dành cho học sinh có năng khiếu”, ông Tài nói.
Ông Tài cũng nhấn mạnh mục đích: “Khen phải vì đứa trẻ, không phải vì người lớn. Khi mục tiêu “khen” để phục vụ mong muốn, kỳ vọng của người lớn, mãi mãi ta chúng không giải quyết được tình trạng gây áp lực lên chính đứa trẻ.
Về việc này, tôi cũng mong các cơ quan, đoàn thể, hội khuyến học... khi thực hiện việc khen thưởng cho học sinh là con cán bộ, nhân viên cũng nghiên cứu quy định của Bộ GD-ĐT để có quy định phù hợp, thống nhất với tinh thần đánh giá, khen thưởng hiện hành.
Cách khen làm sao để con trẻ được vui, được khích lệ chứ không phải khen để cha mẹ bức xúc, áp lực tiếp tục dồn lên đứa trẻ. Đây cũng là điều Bộ GD-ĐT mong muốn được xã hội, các bậc phụ huynh thấu hiểu, đồng hành”.