‘Nhiều học sinh xuất sắc nhưng không đỗ vào đại học hàng đầu’
Tại hội thảo “Liệu chỉ có học sinh xuất sắc mới chinh phục được đại học hàng đầu?” do Trường Phổ thông Liên cấp Olympia tổ chức mới đây, tiến sĩ Stanford Nguyễn Chí Hiếu chỉ ra thực tế, trong những năm qua, có nhiều học sinh xuất sắc với điểm số cao, đa dạng thành tích nhưng vẫn chưa chinh phục được các trường đại học hàng đầu. Trong khi đó, có những em thành tích học tập không quá nổi bật nhưng vẫn giành được các suất học bổng và hỗ trợ tài chính tốt.
Lý giải điều này, TS Hiếu cho rằng, hiện nay, rất nhiều gia đình có xu hướng “gò” học sinh vào việc học và thi. Điều này vô tình tạo cho các em không ít áp lực. Trong khi đó, học sinh không chỉ cần nền tảng học thuật tốt mà còn cần phát triển các kỹ năng mềm và trải nghiệm sống. Việc có những trải nghiệm đa dạng, phong phú sẽ giúp các em được mở rộng thế giới quan.
Do đó theo TS Hiếu, trong giai đoạn THCS đến đầu cấp THPT, cha mẹ nên để học sinh được thoả sức với nhiều sở thích khác nhau thay vì bó buộc trong “một con đường đi chật”.
“Rất hiếm học sinh nào chỉ theo đuổi một đam mê bền bỉ trong suốt chặng đường dài. Các em cần trải nghiệm đủ nhiều, có những “cú xoay” trước khi tìm ra thứ bản thân yêu thích nhất”.
Đến giai đoạn lớp 11, 12 chính là thời gian để học sinh hệ thống lại, tự lựa chọn xem trải nghiệm nào bản thân thấy thích thú và sẵn sàng muốn gắn bó trong 4 năm đại học.
“Thực tế, có những học sinh là “dân” khối xã hội, sau đó lại quyết định gắn bó với lĩnh vực công nghệ thông tin. Sự thay đổi đó vì các em được tiếp xúc rộng với các ngành nghề, cơ hội, từ đó đưa ra sự lựa chọn phù hợp và tốt hơn”, TS Hiếu nói.
Ngoài ra, theo ông, việc có nhiều trải nghiệm cũng sẽ giúp ứng viên có màu sắc và “chất” riêng, không trùng lặp với bất kỳ ứng viên nào.
“Hàng năm vẫn có nhiều học sinh Việt Nam đỗ vào các trường đại học hàng đầu thế giới với những câu chuyện riêng về sự độc đáo của bản thân, nhưng không phải ai cũng có xuất phát điểm hoàn hảo. Đôi khi, việc thể hiện bạn là ai, trải nghiệm sống của bạn thế nào, cách nghĩ của bạn ra sao, có phù hợp với trường không mới là điều hội đồng tuyển sinh quan tâm”.
TS Hiếu lấy dẫn chứng, hai năm trước, ông từng biết một học sinh học hệ không chuyên của một trường THPT chuyên tại TPHCM. Hồ sơ của nam sinh này không có điểm SAT, đạt IELTS 7.0. Thành tích cao nhất của em là một giải thi võ thuật cấp quận.
Tuy nhiên trong bài luận, em viết về việc mình lớn lên ở xứ đạo, suốt 10 năm qua vẫn kiên trì với công việc đi thắp nến trong nhà thờ mỗi lần Cha xứ làm lễ. Mỗi khi thắp nến, em lại suy nghĩ về các câu Cha đọc và mối liên hệ với cuộc sống thường ngày như về tôn giáo, bản dạng giới, việc học hành...
Nhờ thể hiện “chất” riêng và những trải nghiệm của bản thân, nam sinh vẫn chinh phục được đại học top đầu Mỹ.
Vì thế, theo TS Hiếu, có thể nhìn nhận các yếu tố xuất sắc trong bộ hồ sơ là điều kiện cần, nhưng không phải là điều quan trọng duy nhất giúp học sinh chinh phục đại học top đầu.
Thực tế, các trường không tìm kiếm những học sinh chuyên “cày” luyện thi, lấy điểm số mà cần phải có kỹ năng học tập, bao gồm: Kỹ năng nghiên cứu tài liệu, kỹ năng đọc chuyên sâu, kỹ năng lập luận, viết sáng tạo, tư duy phản biện... Đây là những kỹ năng quan trọng giúp ích cho việc học tập và nghiên cứu chuyên sâu ở bậc đại học.
Bên cạnh kỹ năng học tập, ứng viên cũng cần có bộ kỹ năng mềm như: Kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề thực tế, kỹ năng quản lý dự án, kỹ năng thuyết trình... “Nếu suốt thời phổ thông, học sinh chỉ quanh quẩn việc học và luyện thi thì sẽ thiếu hụt những kỹ năng này”, TS Hiếu nói.
Ngoài ra, các em cũng cần có những trải nghiệm thực tế để làm giàu thêm vốn sống, mở rộng thế giới quan, từ đó chắt lọc và định hướng bản thân đi theo con đường phù hợp trong tương lai. Những trải nghiệm này cũng không nên gói gọn trong các hoạt động ngoại khóa tại trường học.
Nhờ những kỹ năng đó, học sinh sẽ hình thành được sự bản lĩnh, bền bỉ trong tính cách, có khả năng thích nghi với môi trường mới và không ngần ngại đón nhận thử thách. “Những điều này không chỉ giúp các em thích nghi với môi trường đại học mà còn có thể tự đi trên đôi chân của mình một cách độc lập dù ở bất kỳ đâu. Đây là những yếu tố các trường đại học hàng đầu luôn tìm kiếm ở ứng viên”, TS Hiếu nói.