Hoàng Anh Gia Lai: Loạt công ty con dừng hoạt động, chờ thanh lý
Tuy nhiên, trong báo cáo này HAG chỉ nhắc đến 40 công ty. Trong số đó, chỉ có 20 công ty trong trạng thái “Đang hoạt động”; có 3 công ty đang trong trạng thái “chờ thanh lý”; 3 công ty “Ngưng hoạt động” và 14 công ty “Trước hoạt động”.
Các công ty đang chờ thanh lý gồm: Công ty TNHH Điện Hoàng Anh Attepeu có trụ sở tại Viêng Chăn (Lào), HAG sở hữu 99,40% vốn điều lệ; Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Gia Lai trụ sở tại Gia Lai, HAG sở hữu 75,01%; Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attepeu trụ sở tại Lào, HAG sở hữu 75,01%.
Được biết, HAG đã bàn giao các chức vụ chủ chốt tại hai công ty mía đường kể trên là cho một bên thứ ba. Hai bên đang tiến hành thủ tục pháp lý để hoàn tất chuyển nhượng giao dịch cổ phần của nhóm các công ty mía đường này. Tuy nhiên, HAG chưa tiết lộ giá trị chuyển nhượng cũng như đối tác nhận chuyển nhượng của thương vụ đình đám này. Dù chưa chính thức công bố nhưng thị trường đã xuất hiện tin đồn Tập đoàn Thành Thành Công của ông Đặng Văn Thành đã mua lại mảng mía đường của Hoàng Anh Gia Lai, bao gồm một nhà máy đường với công suất ép 1.050.000 tấn mía mỗi năm và diện tích trồng mía là 6.000 ha ngay cạnh nhà máy. Mặc dù vậy, Thành Thành Công còn đang ráo riết chuẩn bị cho thương vụ sáp nhập đình đám giữa CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) và Đường Biên Hòa (BHS).
Ngoài 3 công ty chờ thanh lý kể trên, HAG còn công bố 3 công ty trong trạng thái “Ngưng hoạt động”, cả 3 đều thuộc lĩnh vực khai khoáng và HAG sở hữu tới 99,40% vốn, gồm: Công ty TNHH MTV Khoáng sản Hoàng Anh Gia Lai trụ sở tại Gia Lai; Công ty TNHH MTV Khoáng sản Hoàng Anh Gia Lai – Kon Tum, trụ sở tại Kon Tum; và Công ty TNHH Khoáng sản Hoàng Anh XêKông, trụ sở tại tỉnh Attepeu, Lào.
Trong số các công ty con, công ty liên kết của HAG, có tới 14 công ty trong trạng thái “Trước hoạt động”. HAG cho biết đây là các công ty con đang trong giai đoạn đầu tư và chưa bắt đầu hoạt động chính thức.
![]() |
HAG đang tập trung cho lĩnh vực trồng cao su. Năm 2016 tập đoàn mua lại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Cao su Đông Dương (CSDD) cùng 4 công ty con của CSDD với tổng giá trị 1.650 tỷ đồng; Mua lại CTCP Cao su Trung Nguyên với tổng giá trị 3.277 tỷ đồng. |
Với 20 công ty đang hoạt động, các công ty này hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chăn nuôi và kinh doanh bò thịt, bò sữa; trồng và kinh doanh cao su, mía, cọ dầu và các loại cây trồng khác; phát triển căn hộ, trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng để bán và cho thuê; xây dựng và kinh doanh thủy điện; cơ khí; sản xuất và kinh doanh thức ăn gia súc, phân bón; kinh doanh kho bãi, sơ chế nông phẩm và dịch vụ nông nghiệp; kinh doanh khách sạn nghỉ dưỡng; các hoạt động thể thao và giải trí.
Chuỗi ngày khó khăn của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức vẫn chưa chấm dứt khi ngày 10/5, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã ra quyết định về việc nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường đối với hai cổ phiếu HAG của CTCP Hoàng Anh Gia Lai và HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai. Lý do hai doanh nghiệp này đã vi phạm 3 lần trở lên trong vòng một năm quy định về công bố thông tin. Trước đó, ngày 8/5, HOSE đưa cổ phiếu HAG và HNG vào diện cảnh báo bởi lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2016 của hai doanh nghiệp này đều âm, lần lượt là âm 1.115 tỷ đồng và âm 985 tỷ đồng.
CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai có vốn điều lệ 7.600 tỷ đồng, trong đó HAG sở hữu 75,61%. Trên thị trường chứng khoán, tính từ thời điểm HAG và HNG bị đưa vào diện cảnh báo đến cuối tuần trước, cổ phiếu HAG đã giảm 4,8%, còn 8.660 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, cổ phiếu HNG giảm 6,3%, còn 11.050 đồng.