Hoa hậu H'Hen Niê tham gia truyền thông chống mua bán người
Ngày 22/5, tại thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) đã diễn ra Lễ khai trương biển truyền thông cho Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người ‘111’.
Phó Đại sứ Anh tại Việt Nam Stephen Lysaght cùng Hoa hậu H'Hen Niê |
Buổi lễ có sự có mặt của ông Stephen Lysaght, Phó Đại sứ Anh tại Việt Nam; ông Vũ Trùng Dương, Chánh Văn phòng, Cục Trẻ em; ông Bùi Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An; ông Trần Khánh Thục, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Nghệ An; ông Nguyễn Công Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn dịch vụ truyền thông, Cục Trẻ em (Phụ trách Tổng đài 111); và Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H’Hen Niê.
Mua bán người là một vấn nạn mang tính toàn cầu, yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia để xoá bỏ. Chính phủ Anh và Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ trong việc đấu tranh chống lại loại hình tội phạm nghiêm trọng này.
Hoa hậu H'Hen Niê cùng ekip của Đại sứ quán Anh tại sự kiện. |
Từ tháng 3/2020, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đã phối hợp với các ban ngành liên quan thực hiện chuỗi hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức người dân về phòng, chống mua bán người với sự đồng hành của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H’hen Niê.
Với thông điệp “Đừng đánh cược tương lai của bạn – di cư trái phép có thể khiến bạn trở thành nạn nhân mua bán người”, chương trình mong muốn người dân tìm hiểu kỹ con đường di cư lao động. Người dân cần hiểu được những rủi ro họ có thể gặp phải, cân nhắc lựa chọn di cư hợp pháp vì lợi ích của bản thân và tương lai của gia đình.
Hoạt động truyền thông của chiến dịch bao gồm ba hợp phần: Thứ nhất, dựng biển truyền thông tại tỉnh Nghệ An nhằm quảng bá các dịch vụ hỗ trợ miễn phí 24/7 do Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người 111 cung cấp. Các biển tuyên truyền được dựng trên trục giao thông chính thuộc bảy huyện Diễn Châu, Yên Thành, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Cửa Lò, Tương Dương và Con Cuông từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2020. Đây là hoạt động hợp tác với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Thứ hai, dựng biển truyền thông tại các sân bay quốc tế nhằm nâng cao nhận thức của người dân về rủi ro trong di cư trái phép và phòng, chống mua bán người. Hoạt động sẽ được triển khai tại năm sân bay quốc tế bao gồm Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Vinh và Đồng Hới từ tháng 3 đến tháng 6/2020.
Thứ ba, video ngắn truyền thông trên các kênh truyền hình quốc gia với sự có mặt của Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward và Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2017 H’hen Niê. Video này sẽ được phát trên VTV1, VTV3 và VTV6 trong tháng 7 năm 2020.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Đại sứ Anh Stephen Lysaght cho biết: "Hợp tác của Vương quốc Anh với Việt Nam trong lĩnh vực này hiện nay tập trung vào triệt phá các nhóm tội phạm có tổ chức nghiêm trọng, những người thường tham gia vào việc đưa người trái phép qua biên giới và đặt họ vào những điều kiện không khác gì nô lệ. Những nỗ lực của chúng tôi giúp mọi người nhận thức được những rủi ro mà họ sẽ gặp phải nếu họ nghe theo những kẻ mua bán người. Chúng tôi cũng chia sẻ thông tin về các nhóm tội phạm có tổ chức nghiêm trọng với các lực lượng chức năng và nâng cao năng lực cho các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam, để không còn nhiều người Việt Nam trở thành nạn nhân của các loại tội phạm này".
Ông Bùi Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Nghệ An, khẳng định việc đặt biển truyền thông Đường dây nóng 111 tại Thị xã Cửa Lò nói riêng và các huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung là việc làm hết sức ý nghĩa, không chỉ bảo vệ trẻ em mà còn bảo vệ phụ nữ - nạn nhân chủ yếu của tội phạm mua bán người.
Hoa hậu H'Hen Niê. |
Có mặt tại sự kiện, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H'Hen Niê cũng chia sẻ: “Là một người con dân tộc thiểu số - nơi mà rất nhiều người, đặc biệt là trẻ em gái là đối tượng của tội phạm mua bán người, tôi cảm nhận được tầm quan trọng của vấn đề này. Tôi mong muốn người dân hiểu và tự trang bị cho bản thân và người thân kiến thức để không bị rơi vào bẫy của tội phạm mua bán người".
Số lượng cuộc gọi nhiều nhất đến từ khu vực miền núi Phía Bắc, chiếm tỉ lệ 32,7% trong tổng số cuộc gọi đến đường dây nóng. Thứ hai là các tỉnh đồng bằng Sông Hồng với 22,3%. Tiếp đến là các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ với 16,4%; vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long với 15,7%; khu vực Nam Trung bộ 6,8%. Các tỉnh khu vực Tây Nguyên có số cuộc gọi tới đường dây nóng chỉ chiếm 5,9% và 1 cuộc gọi từ nước ngoài chiếm 0,1%
Ngọc Tuân