Hệ thống phát thanh tiếng dân tộc còn nhiều hạn chế, bất cập
Hiện nay, riêng VOV đang phát 12 thứ tiếng dân tộc thiểu số, gồm: Thái, Mông, Dao, Cơ tu, Ba na, Gia rai, Xơ đăng, Ê đê, M’nông, Cơ ho, Chăm, Khmer, với thời lượng phát sóng gần 30 giờ hàng ngày. Bên cạnh đó, hơn 40 đài phát thanh – truyền hình địa phương có chương trình phát thanh tiếng dân tộc thiểu số.
Trong bối cảnh cả nước hiện có hơn 13 triệu đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống tập trung ở vùng núi cao, biên giới, những vùng còn nhiều khó khăn, tỷ lệ mù chữ mẹ đẻ ở nhiều dân tộc còn cao, gần 22%, trong đó có 6 dân tộc tỷ lệ mù chữ mẹ đẻ lên tới 50%, thì các chương trình phát thanh tiếng dân tộc có vai trò rất quan trọng trong việc giúp các cộng đồng người dân tộc thiểu số khắc phục tình trạng "đói" thông tin.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Vũ Quang Hào, cách làm phát thanh tiếng dân tộc vẫn đang thiếu vắng 3 điểm quan trọng: thiếu cảm xúc, nặng về độc thoại (dịch-đọc), người nghe chưa thấy được lợi ích của mình. Truyền thông cho đồng bào dân tộc thiểu số cần đặt người nghe vào trung tâm, tăng tần suất xuất hiện của đồng bào. Tốt nhất là nên để người dân tộc thiểu số làm các chương trình phát thanh cho cộng đồng của mình. Đây là điều mà các "nhà đài" hiện nay vẫn còn đang phải hướng tới.
![]() |
Các đài phát thanh – truyền hình đang hướng tới việc để người dân tộc thiểu số làm các chương trình phát thanh cho cộng đồng của mình. Ảnh minh họa. Nguồn: VOV. |
Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, bất cập của hệ thống phát thanh tiếng dân tộc, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc VOV cho rằng nội dung của các chương trình tiếng dân tộc còn thiếu tính chuyên biệt, kết cấu các chương trình phát thanh tiếng dân tộc nhìn chung còn đơn điệu, một chương trình chỉ có thời lượng 30-45 phút và mỗi ngày chỉ có 1 chương trình nên kết cấu của 12 chương trình của 12 tiếng dân tộc trên VOV tương đối giống nhau, ít cải biến, thay đổi từ nhiều năm nay. Đây là một nhược điểm rất lớn.
Gợi mở hướng nâng cao hiệu quả phát thanh tiếng dân tộc thiểu số trong thời gian tới, Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ đề xuất: Trên sóng đài quốc gia có thể tập trung phát sóng 5 - 6 ngôn ngữ dân tộc, còn các thứ tiếng khác sẽ phát sóng ở khu vục, cấp tỉnh, huyện, thậm chí phát thanh cộng đồng; tăng cường làm phát thanh theo hướng truyền thông cộng đồng, tư vấn chỉ dẫn, dễ dàng tích hợp và lưu trữ trên các mạng di dộng, Internet. Bên cạnh đó, VOV và các đài phát thanh – truyền hình địa phương cần phối hợp, hợp tác làm phát thanh dân tộc hiệu quả để không chồng chéo, lãng phí nguồn lực.
Bàn về việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho hệ thống đài phát thanh trên phạm vi cả nước, bà Nguyễn Lan Phương,Vụ Thông tin cơ sở, Bộ Thông tin & Truyền thông cho biết, Bộ Thông tin & Truyền thông đang quan tâm tới việc lập mới trên 2.000 đài cấp xã, nâng cấp trên 3200 đài xã, nâng cấp 300 đài huyện và thiết lập mới trên 4.500 trạm truyền thanh thôn bản. Đây sẽ là một trong những nền tảng để VOV và các đài phát thanh – truyền hình của các tỉnh mở rộng diện phủ sóng của mình tới những vùng sâu, vùng xa, "vùng lõm" thông tin.
Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng cho biết: Năm 2017, Uỷ ban Dân tộc đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt đề án thí điểm cấp phát đài cho người dân tộc thiểu số. Trước mắt thí điểm ở 10 địa phương, đảm bảo số lượng, chất lượng và độ bền radio từ 5 năm trở lên.