Hàng Việt cần coi trọng chất lượng
Tại hội nghị triển khai các hoạt động của Ban chỉ đạo TƯ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2012, ngày 20-3 tại Hà nội, nhiều chuyên gia nhìn nhận: vẫn còn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc triển khai cuộc vận động như: các cơ chế, chính sách, giải pháp trong quản lý Nhà nước nhằm thúc đẩy sản xuất, phân phối, lưu thông và tạo điều kiện cho hàng hóa thương hiệu Việt đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng chưa thực hiện tốt. Đặc biệt là công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng gian lận thương mại, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh, an toàn thực phẩm…gây băn khoăn, lo lắng trong nhân dân và ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Chính vì vậy, để cuộc vận động có hiệu quả và sức lan tỏa dài lâu thì không thể kêu gọi người tiêu dùng mua hàng Việt một cách hình thức mà các doanh nghiệp thực sự phải đầu tư nghiêm túc vào chất lượng, cải tiến kỹ thuật để giảm giá thành, mẫu mã đẹp và hậu mãi tốt.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, khẳng định: cuộc vận động đã làm tốt công tác tuyên truyền nhưng đơn vị sản xuất phải đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng. Do đó, ngoài việc khuyến khích người tiêu dùng nâng cao nhận thức tiêu dùng hàng trong nước, chúng ta cần xây dựng hoạt động sản xuất ra sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý để người tiêu dùng chấp nhận. Cái gốc là từ chính đơn vị sản xuất.
Theo ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa: yếu tố gây tác động mạnh mẽ nhất đến cuộc vận động là người tiêu dùng, mà định hướng người tiêu dùng lại là mạng lưới bán hàng. Bởi vậy cần tập trung cao nhất vào xây dựng mạng lưới bán hàng Việt. Ngoài ra, muốn người Việt dùng hàng Việt, thì chúng ta phải chống được hàng nhập lậu. Nếu không chống được hàng nhập lậu, doanh nghiệp sẽ không dám đầu tư sản xuất vì không thể cạnh tranh với hàng hóa này. Người tiêu dùng dù có yêu nước thế nào cũng không thể mua hàng Việt nếu không đáp ứng được thị hiếu của họ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nhìn nhận, so với 3 năm trước, hệ thống phân phối hàng Việt đã phát triển hơn rất nhiều. Hàng Việt đã có được những vị trí quan trọng trong chợ truyền thống cũng như hệ thống siêu thị. Doanh nghiệp đã ý thức được việc sản xuất những sản phẩm tốt hơn, giá cả phải chăng, đưa ra những dòng sản phẩm đa dạng phù hợp với từng khu vực. Song bà Thoa cũng cho rằng, việc đưa hàng Việt về nông thôn không đơn giản bởi cơ sở hạ tầng hiện nay còn thiếu và yếu, bán hàng ở nông thôn chỉ diễn ra trong 3-4 ngày rồi rút.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cuộc vận động đã từng bước hình thành nét văn hóa trong sản xuất và sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt, dần xóa bỏ tâm lý sính hàng ngoại trong một bộ phận nhân dân. Nghiên cứu của Công ty Nielsen cho thấy, có đến 90% người tiêu dùng tại Tp.Hồ Chí Minh ưu tiên lựa chọn hàng Việt, thủ đô Hà Nội là 83%. Trong đó, 59% người tiêu dùng mua và sử dụng hài lòng với sản phẩm Việt, 38% khuyên người thân ưu tiên dùng hàng Việt Nam…
Ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khẳng định: trong năm 2012 trọng tâm hoạt động của Ban chỉ đạo cuộc vận động là rà soát, bổ sung và xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu hàng Việt. Giải pháp sẽ là tập trung tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước tập trung đổi mới công nghệ, đổi mới quản lý nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thiết lập hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa tới tay người tiêu dùng. Đồng thời, hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá, nhất là các doanh nghiệp dịch vụ phân phối đưa hàng về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.