Hái thứ đặc sản trên vách đá, người dân làng chài kiếm hàng chục triệu đồng
Làng chài Nam Ô nằm nép mình dưới chân đèo Hải Vân, từ lâu đã nổi tiếng với nghề đi biển, làm nước mắm. Đặc biệt, cứ vào dịp cuối năm, đến mùa rong mứt biển là dường như cả làng chài Nam Ô đều ra rạn đá để đi hái rong mứt. Mùa rong mứt biển thường kéo dài khoảng 3 tháng, từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch.
Bà Đặng Thị Kế (62 tuổi) chia sẻ, mùa rong mứt biển là mùa mà người dân nơi đây chờ đợi nhất trong năm. Bà không nhớ đã gắn bó với nghề này từ khi nào, chỉ nhớ từ khi nhỏ đã theo người dân trong làng đi hái rong mứt.
Dụng cụ để hái rong mứt khá đơn giản, đó chỉ là miếng kim loại mỏng, nhỏ bằng bàn tay để cạo rong mứt. Tuy nhiên, để hái được rong mứt lại là hành trình khá vất vả.
Theo bà Kế, muốn hái rong mứt phải dậy sớm. Tuỳ thuộc vào con nước, thường 3-4h sáng là thời điểm bắt đầu để đi hái rong mứt, nhưng có những hôm mới 1-2h sáng, lúc nước xuống là bà con đã có mặt ở bãi đá.
“Rong mứt sinh sôi, bám trên ghềnh đá ngâm trong nước nên khi nào thuỷ triều rút mới đi hái được. Chúng tôi thường hái đến gần trưa, khi nước biển lên thì về”, bà Kế cho hay.
Để hái rong, người dân phải trèo leo trên bãi đá trơn trượt, lởm chởm, gồ ghề. Ngày nhiều bà có thể hái được 5-6kg, ngày ít cũng được 2-3kg. Mỗi kg rong mứt tươi được bán với giá 200.000 đồng.
“Như mọi năm thì người dân chăm chỉ cần đi hái rong mứt một tháng trước Tết là có cái Tết ấm no, đầy đủ vì để kiếm được 1-2 triệu một ngày là bình thường. Còn năm nay thời tiết nắng nóng, mùa đông đến muộn nên rong mứt mất mùa, ít hơn. Như sáng nay tôi đi hái chỉ được 3kg”, bà Kế nói.
“Nghề này cho chúng tôi thu nhập dịp cuối năm nhưng đi kèm là rủi ro, nguy hiểm, vất vả. Nhiều lần suýt chết vì hái rong mứt nên giờ tôi chỉ dám hái mứt gần bờ, không dám đi ra xa bờ”, bà Kế nói thêm.
Dầm mình cả buổi sáng cũng thu được chừng 3kg rong mứt, anh Quang Hải, người dân làng chài Nam Ô chia sẻ, rong mứt Nam Ô là đặc sản được nhiều người ưa thích, tìm đến mua. Đây là món quà mà thiên nhiên ban tặng cho người dân làng chài.
Những năm gần đây, rong mứt biển có giá cao, dao động 200.000-250.000 đồng/kg nên người dân kéo nhau ra biển, nơi vách đá để săn. Tuy nhiên năm nay rong mứt có phần ít hơn những năm trước.
“Năm nào lạnh, mưa nhiều thì năm đó mứt được mùa. Như năm ngoái, gia đình tôi cũng thu được vài ba chục triệu từ hái rong mứt, còn nhà nào nhiều thì được hơn 50 triệu”, anh Hải chia sẻ.
Theo anh Hải nghề hái rong mứt nghe có vẻ đơn giản nhưng cực kỳ nguy hiểm. Người hái rong mứt phải có sức khoẻ, chịu được mưa, rét, phải leo trèo trên các vách đá trơn trượt, cộng thêm những con sóng dữ có thể đánh rơi xuống biển bất cứ lúc nào.
“Có người ngã gãy tay, dập đầu gối, thậm chí bỏ mạng vì hái rong mứt biển. Có nhiều người gặp tai nạn quyết định bỏ nghề, không dám đi nữa. Chúng tôi luôn tự dặn mình, làm nghề này không nên ham quá, vì nhiều lúc ham, mải hái rồi leo trèo ra xa mà quên mất nguy hiểm đang chực chờ”, anh Hải cho hay.
Chị Thu, người dân Nam Ô tâm sự, rong mứt ở đây được mọi người săn lùng. Rong hái đến đâu có người đến mua tới đó. Có nhiều khách quen ở xa, cứ tới mùa rong mứt là gọi điện đặt mua.
“Tôi vừa bán 10kg rong mứt khô và tươi cho khách gửi đi Sài Gòn. Giá rong mứt tươi là 200.000 đồng/kg còn rong mứt khô 1,8 triệu đồng/kg. Tầm 7-8kg rong tươi sẽ được 1kg rong khô. Rong mứt bổ dưỡng, tốt cho sức khoẻ. Người lớn hay trẻ em ăn đều tốt. Ở đây, ngoài để bán, nhà nào cũng chất rong đầy tủ lạnh hoặc phơi khô để ăn dần”, chị Thu nói.
Rong mứt biển thành nhiều món ngon như nấu canh, xào thịt, trộn gỏi. Theo nhiều người dân, rong mứt Nam Ô có vị khác lạ so với rong biển ở nhiều nơi khác. Rong mứt có vị thơm, ngọt tự nhiên. Rong mứt biển nấu với cá, tôm, thịt bò, thịt ba chỉ hoặc nấu canh không thôi cũng rất ngon. Có lẽ chính vì vậy là rong mứt biển Nam Ô được người dân sành ăn khắp nơi tìm mua, làm thực phẩm, quà tặng nhất là trong mỗi dịp Tết đến.
Diệu Thuỳ