Hà Nội: Phấn đấu duy trì vị thế dẫn đầu cả nước về các sản phẩm OCOP
Sau hơn 2 năm thực hiện đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, Thành phố Hà nội có hàng nghìn sản phẩm được đánh giá và công nhận từ 3 sao tới 5 sao.
Thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy và Kế hoạch số 227/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025", năm 2021 toàn thành phố có 27/30 quận, huyện, thị xã đăng ký 581 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng.
Tính tới thời điểm đầu năm 2021, Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng với 1.054 sản phẩm được công nhận 3 sao, 4 sao, 5 sao và tiềm năng 5 sao.
Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP 4 sao của huyện Ba Vì |
Kết quả từ đầu năm 2021 đến nay, Thành phố đã đánh giá, phân hạng được 493 sản phẩm OCOP ở 22/27 quận, huyện. Dự kiến đến hết ngày 25/12/2021, Thành phố Hà Nội sẽ đánh giá xong sản phẩm của các quận, huyện đã đăng ký, công nhận ít nhất trên 500 sản phẩm OCOP, đưa tổng số sản phẩm OCOP của Hà Nội lên trên 1.500 sản phẩm.
Để hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra, trong tháng 12 UBND TP Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức các sự kiện quảng bá, tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các quận nội thành. Đây sẽ là cơ hội để các đơn vị sản xuất ra sản phẩm OCOP đưa sản phẩm chất lượng của mình đến gần hơn với người tiêu dùng Thủ đô và cả nước, tạo tiền đề mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Để hỗ trợ các đơn vị sản xuất kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, TP Hà Nội đã tổ chức thành công nhiều sự kiện như “Ngày hội livestream đặc sản OCOP Hà Nội”; Diễn đàn trực tuyến Hà Nội năm 2021; mô hình thí điểm “Chợ đêm trên mây”…
Thành phố Hà Nội đã tổ chức tập huấn 5 khóa học miễn phí về xúc tiến thương mại nông nghiệp và bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp (hình thức livestream bán hàng) với số lượng gần 500 học viên tham dự của 273 đơn vị sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản và sản phẩm OCOP trên địa bàn Hà Nội và 20 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Theo Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội, ông Ngọ Văn Ngôn cho biết, tính đến thời điểm này, toàn thành phố đã có 16 quận, huyện hoàn thành việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021. Theo đó, có 334 sản phẩm của 17 địa phương được đánh giá phân hạng, đưa Hà Nội tiến đến gần việc hoàn thành mục tiêu đánh giá phân hạng được ít nhất 400 sản phẩm trong năm 2021.
Trong giai đoạn 2022 – 2025, Hà Nội dự kiến mỗi năm có thêm khoảng 400 sản phẩm OCOP. Theo kế hoạch đã đề ra trong giai đoạn này, Thành phố Hà Nội phấn đấu đánh giá, phân hạng được 2.000 sản phẩm OCOP trở lên. Đồng thời triển khai "Đề án Trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái của quốc gia tại Hà Nội"; mỗi huyện, thị xã xây dựng được ít nhất một trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch.
Để đạt được thành công của chương trình OCOP như hiện nay là nhờ sự tích cực vào cuộc của các địa phương. Dù dịch Covdi-19 hoành hành ảnh hưởng rất lớn tới các hoạt động nhưng các quận huyện đều vẫn rất quan tâm xây dựng các kế hoạch cụ thể để triển khai các chương trình OCOP từ đầu năm, thực hiện hoàn thiện hồ sơ để đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ. Việc thẩm định, đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP vẫn được triển khai hết sức nghiêm túc dù hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh.
Việc thẩm định được thành viên Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP TP Hà Nội thực hiện bám sát những tiêu chí đã được quy định tại các Quyết định số 1048/QĐ-TTg và 781/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trong thời gian qua, UBND TP Hà Nội cũng giao cho Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát, lựa chọn và đưa vào vận hành các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. Đến nay đã có 35 điểm, phấn đấu trong những tháng cuối năm, mỗi quận, huyện, thị xã vận hành thêm được tối thiểu một điểm OCOP để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của địa phương và thành phố Hà Nội.
Lam Giang