Hà Giang: Phấn đấu 2025 có huyện hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới
Sau 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo cảnh quan, môi trường, tạo nên nhiều vùng quê đáng sống trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Trong 10 năm, người dân các xã trong tỉnh đã đóng góp gần 20 tỷ đồng (đóng góp bằng tiền hơn 1,4 tỷ đồng; hơn 155 nghìn ngày công và hiến hơn 114 nghìn m2 đất).
Qua đó, kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư hoàn thiện, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, thay đổi bộ mặt nông thôn. Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt thành phố Hà Giang cũng đã vận dụng các chính sách của Nhà nước để hỗ trợ nhân dân các xã phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn ba xã của TP. Hà Giang chỉ còn 1%.
Năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, song các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã luôn cố gắng triển khai và thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM).
Do nguồn lực có hạn nên các địa phương đều tập trung làm tốt công tác tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng NTM. Trong đó, ưu tiên tổ chức thực hiện tốt các tiêu chí không phải mất nhiều kinh phí như: An ninh trật tự, hệ thống tổ chức chính trị xã hội, y tế, môi trường… Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương đã phát huy hết lợi thế, tiềm năng của mình để xây dựng NTM và mang lại hiệu quả thiết thực.
Hà Giang: Phấn đấu 2025 có huyện hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới |
Các xã chọn các tiêu chí, phần việc dễ, ít kinh phí để tập trung thực hiện trước. Phát động phong trào và ký kết giao ước thi đua về xây dựng NTM năm 2020 với nội dung và kế hoạch cụ thể. Công tác tuyên truyền, vận động thực hiện phong trào xây dựng NTM được triển khai với nhiều hình thức phong phú như: Tuyên truyền qua kịch nói, chiếu phim lưu động, phổ biến văn bản trên trạm FM không dây 4.456 lượt, tổ chức ra quân xây dựng NTM.
Bắt tay vào xây dựng NTM, tỉnh Hà Giang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức; trong đó có khó khăn về vị trí địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng cộng thêm hàng năm phải chịu nhiều đợt thiên tai, dịch bệnh.
Mặt khác, tỉnh Hà Giang có xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng rất lớn; trong khi nguồn lực cho xây dựng NTM lại có hạn. Việc huy động sự đóng góp từ nhân dân, sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn…
Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp cùng sự đồng thuận của nhân dân; chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã gặt hái nhiều thành quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, tạo cho diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.
Theo đó, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã làm được 152 km đường bê tông các loại; láng nền nhà 980 hộ; xây dựng 1.191 nhà tắm; cứng hóa, di dời 579 chuồng trại; xây 1.054 bể nước; kiên cố hóa 25 km kênh mương; xây dựng 44 phòng học và 25 nhà văn hóa thôn. Nhân dân đã hiến 234.016 m2 đất; đóng góp 88.269 ngày công lao động; quyên góp được 6.035 triệu đồng để mở mới đường đất, đá được 39,5 km; sửa chữa, nâng cấp, mở rộng 230 km đường; có 124 mô hình sản xuất; thành lập được 353 tổ hợp tác, nhóm sở thích.
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống Ban Chỉ đạo các cấp; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng NTM, đồng thời lồng ghép các chương trình để thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhằm đạt chuẩn các tiêu chí NTM.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết, trong giai đoạn tới, tỉnh Hà Giang tiếp tục xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, mục tiêu tới năm 2025 sẽ có thêm hai huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Riêng thành phố Hà Giang, phấn đấu đến năm 2025 tất cả các xã được công nhận xã NTM kiểu mẫu, gắn với đó là hình thành các làng văn hóa du lịch kiểu mẫu.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, một trong những vấn đề thành phố Hà Giang cần quan tâm thực hiện trong thời gian tới đó là chú trọng thực hiện tiêu chí vệ sinh môi trường nông thôn, đặc biệt là vấn đề xử lý chất thải, rác thải, nước sạch và khôi phục bản sắc văn hóa dân tộc. Để các xã của thành phố Hà Giang là những miền quê đáng sống, là hình mẫu về du lịch cộng đồng của tỉnh.
Hoàng Thanh