GS Văn Như Cương: Nhiều việc phải làm trước khi đổi mới SGK
Trao đổi với PV, PGS Văn Như Cương chia sẻ: “Chúng ta trước hết phải phân luồng học sinh ra sao, như thế nào rồi hãy tính đến việc thay đổi sách giáo khoa. Nếu chúng ta có nhiều bộ sách giáo khoa thì sẽ có sự “chạy chọt”, rồi nội dung thi cử, ra đề ra sao?”
Liên quan đến thay đổi sách giáo khoa, PGS Cương chia sẻ: “Quan trọng chương trình thay đổi như thế nào, ra sao thì chúng ta thay đổi sách giáo khoa theo hướng đó. Chúng ta phải xác định trong đề án thay đổi cơ bản toàn diện giáo dục là cái gì? Rồi tiến hành phân loại, phân luồng như thế nào…”
Nhiều quan điểm nên có nhiều bộ sách giáo khoa trên thị trường |
Theo PGS Cương, đặc biệt là THPT, hiện nay quan niệm rằng học xong THPT để đi thi đại học, mà chúng ta chưa tính đến việc bậc THPT xong ra đáp ứng nhiều ngành nghề với nhiều hướng khác nhau. Mỗi hướng chỉ khoảng 30 – 50% học sinh THPT tốt nghiệp thi vào đại học, còn hướng khác vào học cao đẳng dạy nghề hoặc trung cấp dạy nghề, và một hướng học xong THPT đi đào tạo nghề và đi làm ngay. Nếu chúng ta định ra một hướng như vậy thì toàn bộ chương trình sách giáo khoa phải thay đổi theo…
Vì vậy, chương trình sách giáo khoa phải làm sau, khi có những định hướng theo cơ cấu của trường THPT. Như những năm trước đây, chúng ta đã thay đổi sách giáo khoa theo hệ phân ban A, B, C… đã thất bại rồi. Việc phân ban để học sinh thi vào đại học theo khối ngành… và việc thay đổi phân ban như trước đây là củng cố quan điểm học là để đi thi đại học. Vì vậy, việc thay đổi sách giáo khoa lần này chúng ta phải tính kỹ, không sẽ lại lãng phí tiền của nhà nước…”
Theo PGS Cương, chúng ta phải thay đổi phân luồng THPT rồi hãy tính đến thay đổi SGK |
Theo PGS Cương, hiện nay, do nhu cầu lao động thừa thầy thiếu thợ, chúng ta phải phân hóa, phân ngành nghề từ lúc học xong THPT để làm sao số học sinh tốt nghiệp đi theo hướng nghề, hay đi thi đại học. Như nhiều nước trên thế giới đã làm việc này từ lâu rồi, mà hiện nay chúng ta chưa thay đổi được mấy. Nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến họ phân ra thành nhiều ban, ngành.
“Tôi biết ở nước Đức, khi học sinh lên THPT người ta phân ra làm hai ban. Một là hệ học sinh đi học sẽ tiếp tục học lên đại học theo hướng nghiên cứu. Hai là hướng học sinh sau khi học xong THPT đi theo ngành nghề ứng dụng, kỹ thuật… rồi vừa học vừa làm đại học.” – PGS Cương nêu kinh nghiệm.
Vì vậy, trước khi đổi mới sách giáo khoa thì chúng ta hãy phân hóa học sinh ra rồi hãy làm. Có quan điểm Bộ GD&ĐT nên chấp nhận song song tồn tại nhiều bộ sách giáo khoa trên thị trường. Có nghĩa là anh nào viết sách giáo khoa tốt và trình bày qua Hội đồng thẩm định, thấy rằng sách giáo khoa ấy phù hợp với chương trình, vừa có tính chất khoa học, vừa có tính chất sư phạm thì chúng ta quyết định cho tồn tại.
“Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng phải có một bộ sách giáo khoa chính của mình. Việc một nhóm tác giả nào đó nếu viết sách giáo khoa, được Hội đồng thẩm định sách tốt, vậy thì ai trả kinh phí viết sách cho họ. Bộ GD&ĐT có trả tiền hoặc tài trợ không? Nếu có tài trợ khi trả tiền xong mà nhóm tác giả đó viết sách giáo khoa ra không ai thừa nhận thì tính sao?” – PGS Cương phân tích.
Theo PGS Cương, vì thế, quan điểm cho tồn tại nhiều bộ sách giáo khoa trên thị trường là đúng. Và đúng ở khía cạnh lý thuyết, còn thực tế khi thực hiện khi đề cập đến tiền nong, nội dung… là một vấn đề đáng bàn. Chẳng hạn sau khi có tới 2 -3 bộ sách giáo khoa được Hội đồng thẩm định duyệt rồi, vậy thì dùng như thế nào?
Liệu có “chạy chọt” ở đây không? Chẳng hạn ông A có bộ sách này, sẽ chạy lên Sở GD, nhờ ông Sở GD dùng cho tôi bộ sách này trong các trường học, rồi tôi chi tiền cho…
Vì vậy, vấn đề này cần được cụ thể hóa và có kế hoạch mục đích sử dụng như thế nào, nội dung ra sao, rồi kiểm tra, đánh giá… Rồi học sinh học tập, thi cử nếu có nhiều bộ sách giáo khoa như vậy thì nội dung đề thi, thi cử, ra đề… theo sách giáo khoa nào?