Nữ du học sinh tại Đức: “Ngày 30 Tết ở đây em cứ như người mất hồn”
Cả thế giới đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhiều du học sinh buộc phải đón Tết xa nhà. Trước khoảnh khắc giao thừa, ai mà chẳng nôn nao nhớ quê hương, nhớ bố gia đình, người thân…
Đinh Hà Trang - sinh viên năm 2 ngành Design tại trường Đại học ứng dụng Lübeck (Đức) chạnh lòng tâm sự: “Tết cổ truyền Việt Nam là lúc gia đình sum họp đầy đủ, vui vẻ và hạnh phúc nhất, có ai mà không muốn Tết được đoàn viên bên người thân?
Ăn tết xứ người buồn tủi và nhớ nhà lắm. Tết xứ người không được tham gia bữa cơm tất niên chiều cuối năm, không được lăng xăng đi chợ cùng mẹ, chuẩn bị đồ cúng giao thừa cùng ba, thiếu thốn không khí Tết. Em muốn về Việt Nam ăn Tết lắm nhưng vì dịch bệnh đang lúc căng thẳng nên đành chịu”.
Nữ du học sinh Đinh Hà Trang tại Lübeck, Đức. |
Hà Trang cho biết tình hình dịch bệnh tại thành phố Lübeck nơi em sinh sống hiện nay cũng không quá nghiêm trọng vì mọi người đều chấp hành giãn cách xã hội và đeo khẩu trang đúng quy định.
Tuy nhiên, Chính phủ Đức đã đưa ra các quy định nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn cho cộng đồng nên việc học hành của Trang cũng bị ảnh hưởng không ít, thay vì được đến trường có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với các bạn thì giờ em chỉ có thể học và thi online.
“Em sang đây hơn 2 năm rồi nên cũng dần quen hơn với nỗi nhớ nhà, nhưng thú thật những ngày 30 Tết chưa năm nào em nguôi ngoai nỗi nhớ mẹ, nhớ Tết Việt Nam, nhớ không khí đào quất bán đầy đường…. Thật may là hiện nay với sự phát triển của cách mạng 4.0 nên em và gia đình vẫn có thể liên lạc và trao đổi thường xuyên cho nhau.
Biết được tình hình dịch bệnh nghiêm trọng ở Đức nên bố mẹ em cũng lo lắng, hỏi han và động viên em rất nhiều”, Hà Trang nói.
Đinh Hà Trang đón cái Tết Nguyên đán thứ 3 xa gia đình. |
Hà Trang tâm sự: “Ngày 30 Tết ở đây em cứ như người mất hồn, chỉ nghe một bản nhạc xuân cũng ứa nước mắt nhớ mẹ, nhớ mâm cỗ tất niên. Tủi nhất là 30 Tết, trong khi bạn bè và gia đình ở nhà đang tất bật chuẩn bị cho cái Tết thật đầy đủ thì tại những đất nước không đón Tết âm lịch, các du học sinh vẫn phải tiếp tục làm việc, học tập như ngày thường.
Em cũng chỉ mong được đón tết cùng gia đình. Dù sao năm nay cũng là cái Tết Nguyên Đán thứ 3 em phải đón một mình. Vào dịp Tết như thế này thì em cũng chẳng thể nấu món truyền thống nào của người Việt vì không đủ nguyên liệu và em cũng không quá thành thục với chuyện bếp núc. Vậy nên em rất nhớ những mâm cơm truyền thống của mẹ làm. Được ăn cơm mẹ nấu thật là điều tuyệt vời nhất”.
Gia đình của Đinh Hà Trang |
Vào ngày tất niên, Hà Trang cho biết sẽ ngồi xem live stream Táo quân hoặc gọi điện thoại cho người thân, bạn bè.
“Hồi còn ở Việt Nam, năm nào em cũng mong mỗi dịp Tết đến, đơn giản vì em thích không khí náo nhiệt khi mọi người tấp nập sắm sửa nhà cửa để chào đón năm mới. Giờ đây, món ăn tinh thần “Táo quân” cũng là thứ giúp em vơi bớt nỗi nhớ nhà”, Trang nói.
Khoảnh khắc cuối năm đang đến, cũng như Hà Trang, hàng chục ngàn du học sinh Việt Nam phải đón giao thừa xa nhà đang rất nôn nao nhớ quê hương. Họ sẽ gọi điện cho nhau, cho người thân để cùng đón giao thừa trực tuyến khi mùa xuân gõ cửa từng nhà.
Du học sinh từ đất nước mặt trời mọc chia sẻ nỗi nhớ nhà ngày cận Tết
Tết Nguyên đán luôn là khoảnh khắc thiêng liêng với người dân Việt Nam. Với những người trẻ xa xứ như du học sinh thì những ngày cuối năm là lúc tâm hồn luôn hướng về quê hương yêu dấu.
Hoàng Thanh