Chuyên gia 'hiến kế' giảm thuế TTĐB với xăng dầu để ổn định thị trường xăng dầu
Để đảm bảo tính kịp thời trong việc ổn định giá xăng dầu trong nước trước biến động của giá xăng dầu thế giới, góp phần giảm chi phí sản xuất kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm để tăng tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu, hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần kiềm chế lạm phát thì giải pháp giảm thuế cũng cần đặt ra.
Do đó, Bộ Tài chính gửi công văn đến bộ ngành đề nghị góp ý đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với xăng và thuế GTGT với xăng dầu. Theo dự thảo này, Bộ Tài chính đánh giá tác động của dự thảo Nghị quyết trên cơ sở 2 phương án.
Phương án 1: Giảm 50% mức thuế TTĐB đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm 20% mức thuế GTGT đối với xăng, dầu (xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn).
Phương án 2: Giảm 50% mức thuế TTĐB đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm 50% mức thuế GTGT đối với xăng dầu (xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn).
Đưa ra báo cáo đánh giá tác động của giảm thuế VAT và TTĐB, Bộ Tài chính cho biết, theo phương án 1 kết hợp với giảm thuế bảo vệ môi trường, có thể khiến ngân sách hụt thu khoảng 40.890 tỷ đồng trong 6 tháng.
Còn với phương án 2, ước tính thu ngân sách trong 6 tháng sẽ giảm khoảng 45.600 tỷ đồng.
Góp ý về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, khi đã đánh thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu thì không thể áp thuế TTĐB vì lý do bảo vệ môi trường.
Theo ông Long, thuế TTĐB để đánh vào những mặt hàng xa xỉ, mặt hàng Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng; trong khi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu thì vì sao lại đánh thuế TTĐB với xăng dầu?
Đồng quan điểm, thuế TTĐB chỉ đánh vào những hàng hóa xa xỉ, mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng như bia, rượu… Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI cho rằng nên xem xét giảm nhiều mức thuế TTĐB, nhất là trong bối cảnh đang cần có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi và phát triển sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 hoành hành.
Góp ý cho dự thảo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đồng tình với tính cần thiết và cấp thiết của việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế TTĐB với xăng và thuế VAT đối với xăng dầu và trao thẩm quyền cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức giảm cụ thể tuỳ điều kiện thực tế.
Theo VCCI, quy định này sẽ tạo điều kiện để Quốc hội, Chính phủ phản ứng nhanh hơn, kịp thời hơn trong việc hạn chế các tác động tiêu cực của việc tăng giá xăng dầu đối với doanh nghiệp và nền kinh tế.
Cho rằng, chính sách giảm 50% thuế TTĐB như đề xuất hiện nay đã tích cực nhưng theo VCCI, có thể phương án miễn giảm toàn bộ thuế TTĐB sẽ cần thiết trong bối cảnh thế giới có rất nhiều những yếu tố bất ổn có thể xảy ra trong thời gian tới.
Với đề xuất của VCCI, thuế suất thuế TTĐB đối với xăng các loại sẽ về 0% và xăng dầu chỉ chịu thuế VAT.
Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về chính sách thuế TTĐB, TS. Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho hay, phần lớn các nước trên thế giới đều áp dụng thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng.
Ông Quỳnh đơn cử tại nhiều quốc gia châu Âu như Bungari, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ý, Anh, Pháp, Đức, Áo, Đan Mạch, Bỉ… cũng thu thuế TTĐB đối với xăng.
Mức thuế TTĐB phụ thuộc vào chính sách của từng quốc gia và loại xăng như xăng sinh học, xăng khoáng, xăng có chì hay không chì, chỉ số octane hay hàm lượng lưu huỳnh…. Trong đó, phần lớn các quốc gia châu Âu thu thuế TTĐB với mức từ 0,5 - 0,7 EUR/lít, tương đương 13.000 - 18.000 đồng/lít.
Các nước trong khu vực ASEAN cũng thu thuế TTĐB với mặt hàng xăng như: Lào thuế suất 39%; Campuchia thuế suất 25%; Myanmar thuế suất 10%….
Theo ông Quỳnh, về cơ bản, việc điều chỉnh chính sách thuế cũng như điều hành giá xăng dầu phải thực hiện linh hoạt, bám sát thị trường và đảm bảo nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người nộp thuế.
Khôi Nguyên