Giảm mục tiêu xuất khẩu còn 29 tỉ USD, dệt may vẫn khó về đích
Theo báo cáo của Vitas, trong tháng 6 /2016, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt 2,436 triệu USD, tăng 14,41% so với tháng trước và tăng 0,26% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may trong 6 tháng đầu năm 2016 lên 12,666 triệu USD, tăng 4,72% so với cùng kỳ năm ngoái và mới chỉ hoàn thành 41% kế hoạch xuất khẩu của cả năm.
![]() |
Mục tiêu xuất khẩu dệt may đạt 29 tỷ USD trong năm 2016 sẽ khó thực hiện |
Theo Chủ tịch Vitas, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay không đạt tăng trưởng như kỳ vọng, chủ yếu do yếu tố khách quan như giá cả hàng hóa trên thế giới giảm, cùng với sự chững lại về nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước trong bối cảnh kinh tế thế giới còn khó khăn.
“Doanh nghiệp dệt may đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ giá, thị trường, công nghệ quản trị, đến năng suất lao động. Đồng thời đối mặt nhiều rào cản kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại tại một số nước, cũng như sức ép về thời gian giao hàng ngày càng rút ngắn, chi phí lao động không ngừng tăng. Nhất là, tác động từ cơ chế chính sách của Việt Nam không theo kịp và chưa phù hợp với tình hình thay đổi hiện nay của ngành dệt may đang tạo ra không ít khó khăn cho các DN”, ông Vũ Đức Giang cho hay.
Cho rằng xuất khẩu dệt may Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2016 mới đạt 12,6 tỷ USD, đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Do đó, dù rất nỗ lực nhưng kim ngạch xuất khẩu dệt may trong năm nay cũng khó thực hiện được mục tiêu 30 tỷ USD. Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam khẳng định: “Nếu Bộ Công thương điều chỉnh mục tiêu của từ 30 tỷ USD xuống còn 29 tỷ USD thì tôi chắc rằng xuất khẩu dệt may của Việt Nam đến cuối năm 2016 cũng khó thực hiện được con số này”.
Đại diện của Vitas cũng cho biết thêm, hiện nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đang gặp khó khăn về tìm kiếm đơn hàng mới, nhất là từ tháng 8 trở đi. Một số doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đóng cửa do mất khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Hàng rào thuế ở một số nước vẫn ở mức cao, đơn hàng không tăng nhưng giá giảm, trong khi các chi phí khác cứ ngày một đội lên cao khiến doanh nghiệp dệt may đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp chia sẻ, trong điều kiện hiện nay nếu đầu tư thêm nữa thì sẽ khó nhưng nếu không đầu tư mở rộng thêm thì cũng không phát triển được.