Giám đốc BV ĐH Y Hà Nội: Đừng phí tiền mua thuốc xách tay Nga chữa Covid-19
Theo PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu, tin nhắn ông nhận được nhiều nhất là hình hộp thuốc xanh đỏ chữ tiếng Nga với mong muốn được tư vấn “có hiệu quả không, uống được không, uống thế nào?”, hãy đừng lãng phí tiền bạc và tiếp tay cho buôn lậu thuốc.
PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội cho biết những ngày gần đây, hình ảnh ông nhận được nhiều nhất qua tin nhắn là hộp thuốc xanh đỏ chữ tiếng Nga loằng ngoằng với mong muốn được tư vấn “có hiệu quả không, uống được không và uống như thế nào?”.
“Câu trả lời của tôi luôn là không vì đều là thuốc “xách tay” không rõ nguồn gốc”, PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu cho hay.
Thứ hai, tỷ lệ bệnh nhân đã tiêm chủng mắc chủng Omicron tự khỏi rất cao nên thuốc gì uống vào đều “khỏi”.
Điều đáng lo ngại hiện nay là xuất hiện tình trạng người dân tự mua thuốc phòng, điều trị Covid-19 và tự điều trị theo các kiến thức truyền miệng hoặc “bác sĩ google”. Trong đó, loại kháng virus có chữ Nga (với hai loại chữ xanh, đỏ) được người dân săn lùng.
Những ngày gần đây, số ca mắc ở Hà Nội tăng vọt thì giá của loại thuốc này cũng tăng lên gấp đôi. Với hộp 10 viên có chữ màu đỏ trước đây có giá trung bình 200.000 đồng thì nay đã tăng lên 500.000 đồng.
Tương tự, nhiều trang chuyên bán hàng sỉ lẻ, bán hàng xách tay Nga, Facebook cá nhân hay các hội nhóm cư dân... rao bán thuốc Areplivir (chữ màu xanh) giá trung bình trước đây từ 3 đến 4 triệu một hộp 40 viên thì nay cũng được đẩy lên 5-6 triệu đồng/hộp.
Thuốc Nga tràn lan trên mạng xã hội. |
Dược sĩ Hà Quang Tuyến, trưởng Khoa Dược, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thông tin thêm, lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân, nhiều cá nhân đã rao bán các mặt hàng thuốc điều trị virut “xách tay” từ Nga, Trung Quốc về Việt Nam như Arbidol thành phần là Umifenovir, Areplivir thành phần là Favipiravir với lời quảng cáo có cánh về khả năng phòng chống lây nhiễm và điều trị hiệu quả Covid- 19.
Các thuốc “xách tay” này còn được rao bán trực tiếp trên các hội nhóm, trang cá nhân trên mạng xã hội như facebook, zalo, shopee,… nên người dân rất dễ tiếp cận và tìm mua trong khi nguồn gốc xuất xứ và tác dụng không rõ ràng.
“Arbidol (Umifenovir) là thuốc kháng virus phổ rộng được cấp phép sử dụng để dự phòng và điều trị cúm mùa tại Trung Quốc và Nga từ năm 2006.
Thử nghiệm tiền lâm sàng cho thấy thuốc Arbidol có hoạt tính kháng vi rút đối với một số vi rút đường hô hấp ở người như vi rút cúm A, B, C, adenovirus, rhinovirus,…. Tại Trung Quốc, Umifenovir được thử nghiệm trên bệnh nhân Covid-19 ngay giai đoạn đầu bùng phát dịch tuy nhiên kết quả về hiệu quả của umifenovir đối với Covid-19 là không đồng nhất giữa các nghiên cứu.
Một nghiên cứu tổng quan hệ thống và phân tích gộp về hiệu quả và an toàn của Arbidol (umifenovir) trên bệnh nhân Covid-19 đã được thực hiện bởi B. Amani và các cộng sự (2021) dựa trên các dữ liệu nghiên cứu trên Pubmed, Cochrane, Embase và medRixv.
Tổng quan đã cho thấy không có sự khác biệt về hiệu quả giữa việc dùng arbidol và không dùng arbidol ở bệnh nhân Covid-19”, dược sĩ Hà Quang Tuyến nhấn mạnh.
Thậm chí, dược sĩ Hà Quang Tuyến cũng thông tin các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sử dụng arbidol có nguy cơ cao gặp tác dụng phụ hơn với RR: 2.24; 95% CI: 1.06–4.73. Các tác dụng phụ hay gặp phải khi sử dụng arbidol như là rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, nôn.
Theo dược sĩ Hà Quang Tuyến Umifenovir cũng như nhiều thuốc khác: Hydroxycloroquin, Ribavirin, Sofosbuvir, Lopinavir… cũng chỉ là một trong số các thử nghiệm lâm sàng trong giai đoạn ban đầu của đại dịch để tìm hướng tiếp cận điều trị Covid-19 trên thế giới, và có nhiều nghiên cứu hiện cũng đã tạm dừng do hiệu quả không cao hoặc nguy cơ, tác dụng không mong muốn lớn hơn nhiều so với hiệu quả.
Mỗi thuốc kháng virus chỉ có chỉ định trên một số đối tượng bệnh nhân Covid-19 nhất định. Do vậy, dược sĩ Hà Quang Tuyến cho biết việc dùng các thuốc kháng virus này cần đúng chỉ định của bác sĩ.
Bên cạnh đó, các thuốc trị Covid-19 này cũng có khá nhiều chống chỉ định, đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ; đồng thời trong quá trình sử dụng cũng cần giám sát cẩn thận các tác dụng phụ để tránh xảy ra các rủi ro có thể xảy ra.
“Hiện nay, thuốc arbidol và areplivir đều chưa được cấp phép lưu hành và nhập khẩu chính thức tại Việt Nam, các sản phẩm do các trang mạng xã hội, các nhóm các diễn đàn bán đều là hàng trôi nổi, ko rõ nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng. Như mọi người đều thấy, quy trình cấp phép thuốc tại Việt Nam rất chặt chẽ, vì thuốc là một mặt hàng đặc biệt liên quan đến sức khỏe của con người, cả trước mắt và lâu dài.
Điều này nhằm mục đích đảm bảo tác dụng, hiệu quả của thuốc đối với nhân dân khi sử dụng. Tôi tin rằng, nếu sản phẩm này thực sự có chất lượng, tác dụng thì Bộ Y tế đã liên hệ để đưa thuốc về theo đường ngoại giao, đường chính thức để cho nhân dân sử dụng, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường”, dược sĩ Hà Quang Tuyến bày tỏ.
Ông cho rằng,chúng ta đã từng lên án thuốc ung thư giả một cách gay gắt, nhưng bây giờ tại sao chúng ta sẵn sàng thỏa hiệp về việc sử dụng các mặt hàng xách tay, không rõ nguồn gốc, chất lượng, với cam kết chỉ bằng mồm của người bán và không chịu trách nhiệm pháp lý khi có vấn đề xảy ra.
Vì vậy, việc mua bán và sử dụng các thuốc kể trên đều là vi phạm nghiêm trọng Luật Dược giảm hiệu quả phòng chống dịch, tạo cơ hội cho nhưng cá nhân lợi dụng buôn bán thuốc giả thuốc kém chất lượng, thuốc nhập lậu để trục lợi cá nhân.
PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu khuyến cáo người dân đừng lãng phí tiền bạc và tiếp tay cho nhóm buôn lậu thuốc mà ngày càng công khai bán trên mạng xã hội.
Đồng tình với quan điểm này, Dược sĩ Hà Quang Tuyến cũng nhấn mạnh người dân tuyệt đối không tự ý tìm mua và dùng thuốc trị Covid-19 theo thông tin truyền tai. Điều này có thể dẫn đến việc lạm dụng, không mang lại lợi ích gì hơn so với không dùng thuốc, mà lại tiềm tàng nhiều nguy cơ tác dụng bất lợi với sức khỏe người dùng, thậm chí có thể làm trầm trọng tình trạng Covid- 19 ở người bệnh.
N. Huyền