Giải pháp giảm thiểu bạo lực học đường từ các cơ sở giáo dục
Bạo lực học đường luôn là vấn đề nóng thu hút sự chú ý, quan tâm không chỉ của ngành giáo dục mà của toàn xã hội.
Gần đây, những vụ bạo lực học đường gây xôn xao dư luận cả nước đã đặt ra nhiều câu hỏi, trăn trở cho nhà quản lý giáo dục, cho thầy cô giáo và các bậc phụ huynh.
Để giảm thiểu bạo lực học đường, nhiều cơ sở giáo dục đã tổ chức buổi sinh họat chuyên đề đầy ý nghĩa thiết thực, đồng thời lấy các ý kiến đóng góp bổ sung vào các giải pháp phòng chống bạo lực học đường trong nhà trường.
Thầy Nguyễn Anh Thế - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa) cho biết, nhiều năm trước tình trạng bạo lực học đường vẫn còn xảy ra nhưng không nhiều. Vì vậy, để nâng cao nhận thức cho học sinh, Ban giám hiệu (BGH) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hóa giải tình trạng bạo lực học đường, tăng cường phổ biến pháp luật và phòng, tránh xâm hại tình dục…
“Nhà trường đã thành lập Ban Tâm lý học đường với nhiệm vụ chính là phát hiện sớm, kịp thời mâu thuẫn của học sinh để giải quyết một cách triệt để. Ban Tâm lý học đường cũng xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ trực hàng ngày.
Ngoài ra, trường cũng dành riêng 2 phòng, trong đó có một phòng kín để học sinh có thể giãi bày những vướng mắc tuổi học trò với giáo viên để cùng nhau tháo gỡ. Một phòng khác ở cạnh khu học tập để can thiệp kịp thời, nếu không may xảy ra tình huống xấu”, thầy Thế chia sẻ.
Cùng với hoạt động của ban Tâm lý học đường, BGH Trường THPT Nguyễn Trãi còn thành lập Ban Nền nếp với quy chế hoạt động riêng và phân công nhiệm vụ tới từng thành viên.
Nhiệm vụ của ban là theo dõi và kiểm tra đột xuất, thường xuyên đối với các lớp học. Đồng thời, túc trực ở cổng trường để theo dõi tình trạng học sinh ra, vào trường nhằm can thiệp kịp thời các trường hợp mâu thuẫn của học sinh.
“Ngoài 2 ban này, nhà trường còn thành lập Ban An toàn giao thông để phân luồng giao thông vào giờ cao điểm quanh khu vực cổng trường. Mỗi lớp sẽ có một đội trực và phân công theo lịch.
Đội trực của ban còn có nhiệm vụ theo dõi học sinh ra, vào trường, báo cáo kịp thời với ban Nề nếp, nếu thấy hiện tượng tập trung đông người”, thầy Thế nói.
Sân khấu hóa các hoạt động tuyên truyền cũng được Trường THPT Nguyễn Trãi duy trì tổ chức, ngoại trừ thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Chẳng hạn như đẩy mạnh các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp theo chủ đề. Hoạt động này sẽ do học sinh các khối lớp 10, 11 đảm nhận và luân phiên nhau hoạt động trên sân khấu bằng các hình thức khác nhau như: Đóng kịch xảy ra tình huống, trả lời theo câu hỏi, văn hóa - văn nghệ…
“Khi sân khấu hóa các hoạt động tuyên truyền, học sinh vô cùng hào hứng vì vừa được nắm bắt thông tin, vừa được tham gia hoạt động trước khi bước vào lớp học”, thầy Thế bộc bạch.
Đặc biệt, nhiều năm nay Đoàn trường THPT Nguyễn Trãi đều duy trì tổ chức hoạt động kết nạp đoàn viên tại khuôn viên Nghĩa trang liệt sỹ Hàm Rồng (TP Thanh Hóa); phát động đoàn viên quét dọn và dâng hương tại nghĩa trang.
Thông qua những hoạt động này, Đoàn trường mong muốn khơi dậy ý thức về cội nguồn, tri ân các anh hùng liệt sỹ và bồi đắp tình yêu nước, khát vọng cống hiến trong đoàn viên thanh niên.
Một cơ sở giáo dục thực hiện buổi chuyên đề phòng chống bạo lực học đường. (ảnh minh họa) |
Còn theo cô Lê Thị Quỳnh Sen - Phó hiệu trưởng trường THPT Dương Quảng Hàm (Hưng Yên) thì để giảm thiểu bạo lực học đường cần xây dựng kế hoạch mời chuyên gia hoặc cử cán bộ giáo viên có kinh nghiệm đã được đi tập huấn về tuyên truyền cho cán bộ giáo viên, đặc biệt là học sinh hiểu rõ hơn về bạo lực học đường: thực trạng, nguyên nhân, biểu hiện, nhất là hậu quả nghiêm trọng của bạo lực học đường. Từ đó mọi người biết cách để ngăn chặn, phòng ngừa, không để nó xảy ra rồi mới giải quyết hậu quả.
Cùng với đó là hành lập Tổ tư vấn tâm lý học đường: Ban tư vấn tâm lý cần tuyển chọn thầy cô đại diện BGH, thường vụ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh,, giáo viên chủ nhiệm có nhiều kinh nghiệm sống, khéo léo trong cách ứng xử và thông minh, nhanh trí trong xử lý tình huống để tư vấn cho học sinh. Tổ tư vấn có sổ ghi nhật kí hàng tháng.
“Cần trang bị phòng tư vấn tâm lý học đường để tiếp học sinh, nếu có học sinh ngại gặp tổ tư vấn, cần có Hòm thư thu nhận ý kiến – Học sinh ghi tên lớp, số điện thoại, nội dung cần tư vấn đề tổ tư vấn sẽ gặp (điện thoại) trợ giúp.
Chỉ đạo các tổ chuyên môn tăng cường lồng ghép giáo dục tâm lý, giáo dục đạo đức, giáo dục phòng tránh bạo lực học đường vào các môn học, môn kĩ năng sống.
Cho học sinh toàn trường đăng ký cam kết : Nói không với bạo lực học đường. Sửa chữa, nắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh trong và khu ngoài cổng trường.
Có khung hình thức kỉ luật phù hợp, thích đáng với những học sinh vi phạm bạo lực và tuyên dương khen thưởng với những học sinh phát hiện haybáo các thầy cô kịp thời để ngăn chặn được các vụ bạo lực học đường”, cô Quỳnh Sen cho hay.
Hoàng Thanh