Giải mã ‘Quy tắc 3 phút đầu tiên’ để tạo đà tốt nhất cho con phát triển
"Quy tắc 3 phút đầu tiên" bắt đầu xuất hiện từ những năm 90 khi các bậc cha mẹ cố gắng mang đến cho con cái mọi lợi ích vật chất mà quên đi tình yêu thương và sự quan tâm. Nhà tâm lý học Alex Roitblat cho biết, việc thiếu sự quan tâm và “đáp lễ” bằng những món quà thực sự ảnh hưởng đến trẻ.
Thật vậy, các ông bố bà mẹ ngày càng đắm chìm trong công việc để chu cấp cho gia đình, vì vậy các cuộc trò chuyện, thậm chí là các trò chơi và đi dạo nói chung đã trở nên hiếm hoi.
Đi làm về, người lớn hoặc gục ngã vì kiệt sức, hoặc tranh thủ nấu bữa tối, dọn dẹp. Những cuộc trò chuyện chân thành không còn nằm trong kế hoạch tối thiểu này.
Các nhà tâm lý học đảm bảo rằng 3 phút mỗi ngày là đủ để lắng nghe đứa trẻ, tìm hiểu xem một ngày của con diễn ra như thế nào, để các con cảm thấy rằng chúng được nhớ đến, được yêu thương và chúng thực sự quan trọng đối với cha mẹ.
Điều gì xảy ra nếu bạn không tuân theo "Quy tắc 3 phút đầu tiên"?
Thứ nhất, các nhà khoa học đã chứng minh trong 3 phút đầu tiên của cuộc giao tiếp, bất kỳ người nào, dù lớn hay nhỏ, đều cảm thấy mình được chú ý.
Nếu không tuân theo quy tắc 3 phút thì có nghĩa rằng đứa trẻ dần dần trở nên vô hình hết lần này đến lần khác và cuối cùng trở thành một người khá bất an, không thể xây dựng mối quan hệ với người khác vì thiếu tin tưởng.
Thứ hai, sự không chắc chắn tạo ra một lối sống nhất định, dẫn đến sự thất bại. Ở tuổi vị thành niên, cậu học sinh bình tĩnh hài lòng với vai trò phụ và không có tự tin để phấn đấu. Điều này do đứa trẻ khi còn nhỏ không nhận được nhiều sự quan tâm của cha mẹ.
Một con đường khác của một đứa trẻ không được yêu thương là biến thành một "người lớn trẻ con" không biết cách tự mình đưa ra quyết định.
Nếu bạn không muốn con mình có số phận như vậy, hãy cố gắng tuân theo "Quy tắc 3 phút đầu tiên". Không có gì khó khăn cả, chỉ cần học 3 kỹ năng cơ bản - cái ôm, giao tiếp bằng mắt và lắng nghe tích cực là đủ.
Bạn hãy bắt đầu thực hành điều này càng sớm thì càng tốt. Độ tuổi của đứa trẻ không quan trọng, quy tắc này rất hiệu quả với trẻ 2-3 tuổi và với những đứa trẻ nổi loạn tuổi teen.
Cách ôm con đúng cách
Đi làm về, hãy ôm con, hôn, vuốt tóc con. Tiếp xúc xúc giác là rất quan trọng, đặc biệt là với trẻ từ 3 đến 5 tuổi. Nó thiết lập những cảm xúc tích cực, thiết lập các mối quan hệ đáng tin cậy. Những đứa trẻ được cha mẹ ôm sẽ lớn lên hạnh phúc hơn rất nhiều.
Cách duy trì giao tiếp bằng mắt
Sau khi ôm, hãy hỏi trẻ xem ngày hôm nay của trẻ diễn ra như thế nào, có điều gì thú vị xảy ra, trẻ đã thấy gì, đã làm gì. Tìm hiểu xem có điều gì đang làm phiền trẻ không, và khi bạn lắng nghe câu chuyện, hãy giao tiếp bằng mắt thật tốt. Đừng quay đi và đừng làm gián đoạn câu chuyện của trẻ.
Bạn nên nhìn vào mặt trẻ một cách nhẹ nhàng và không phán xét khi trẻ nói. Trẻ cần phải thấy và cảm thấy rằng tất cả sự chú ý của bạn đều thuộc về chúng.
Làm thế nào để lắng nghe con
Nhiều người lớn có sở trường chèn những nhận xét vụn vặt vào câu chuyện của người thân, bạn bè hoặc đồng nghiệp. Đồng thời, một phần của câu chuyện bay vào tai này và ngay lập tức bay ra tai kia.
Theo "Quy tắc 3 phút đầu tiên", một kỹ năng như vậy là không cần thiết. Học cách tích cực lắng nghe trẻ, tìm hiểu kỹ mọi điều trẻ nói, ghi nhớ những điểm chính.
Sau đó, thỉnh thoảng bạn sẽ hỏi về câu chuyện này để trẻ hiểu rằng chúng thực sự được lắng nghe chứ không phải chỉ đồng ý vì phép lịch sự. Điều chính là không ngắt lời trẻ giữa chừng, không bắt đầu tranh cãi, chứng minh rằng trẻ đã sai.
Trong 3 phút đầu tiên, chỉ cần lắng nghe cẩn thận: trung bình trẻ chỉ mất bấy nhiêu thời gian để nói về các sự kiện trong ngày. Nhưng sau đó bạn có thể bình tĩnh đặt câu hỏi, có thể dạy và hướng dẫn nếu cần.
Chỉ cần cố gắng làm mà không la hét và trừng phạt, bởi vì bất kỳ sai lầm nào cũng có thể được sửa chữa. Chỉ cho trẻ hướng đi đúng để trẻ có thể sửa chữa những gì đã xảy ra do lỗi của mình. Hoặc vui mừng vì những chiến thắng nhỏ.
Cố gắng không bao giờ nói dối bản thân cũng như nói dối trẻ, hãy luôn thể hiện những cảm xúc mà bạn cảm thấy. Nếu bạn khó chịu vì hành động của trẻ, hãy nói như vậy, nếu bạn vui mừng với thành công của trẻ, hãy khen ngợi trẻ.
Đừng bỏ qua những lời tử tế, ghi nhận những nỗ lực của đứa trẻ và khả năng tuyệt vời của trẻ. Ngay cả những đứa trẻ ba tuổi cũng nhạy cảm với sự giả dối và giả tạo, vì vậy hãy là chính mình, hãy thành thật với trẻ. Thêm vào đó, bằng cách này, bạn sẽ dạy cho trẻ sự chân thành và chiếm được lòng tin của trẻ.
Ba phút là khung thời gian trung bình, tùy theo từng đứa trẻ mà khoảng thời gian này có thể là khác nhau. Chìa khóa để bạn xác định được điều này là hãy giao tiếp với con.
Các nhà tâm lý học đã chứng minh rằng "Quy tắc 3 phút đầu tiên" có tác dụng hữu ích trong việc thiết lập tương tác và niềm tin với trẻ em. Đây cũng là biện pháp tạo “bước đà” vững chắc cho sự phát triển của trẻ. Những đứa trẻ mà cha mẹ nói chuyện hàng ngày đều quan tâm đến công việc của chúng thì lớn lên tự tin, dễ hòa đồng với mọi người, biết chinh phục và giải quyết tốt những khó khăn.
Hạ Thảo (theo Gazeta)