Cách lấy ráy tai đúng, tránh gây hại cho thính giác
Ráy tai mà chúng ta muốn loại bỏ là một chất màu nâu nhạt, do tuyến bã nhờn của ống tai tạo ra. Ráy tai đóng vai trò quan trọng, giúp bảo vệ chống lại vi khuẩn và nấm xâm nhập vào ống tai. Nếu một người loại bỏ ráy tai quá thường xuyên thì sẽ làm suy giảm đáng kể hàng rào bảo vệ, gây viêm nhiễm cơ quan thính giác.
Một sự thật thú vị là tai có thể tự làm sạch bụi bẩn một cách độc lập. Trong quá trình nhai thức ăn, các cơ hàm góp phần thúc đẩy quá trình bài tiết ráy tai, đẩy ráy ra lỗ tai ngoài. Sau đó nó sẽ khô lại và cuối cùng rơi ra khỏi tai.
Các bác sĩ luôn cảnh báo chúng ta về những hậu quả khủng khiếp từ việc tự làm sạch tai. Tuy nhiên, bất chấp những khuyến cáo, cảnh báo của bác sĩ chuyên khoa, nhiều người vẫn tiếp tục ngoáy tai bằng nhiều đồ vật khác nhau. Nguyên nhân là vì ráy tai có thể gây ngứa ngáy và thông thường không ai muốn xuất hiện ở nơi công cộng với đôi tai bẩn thỉu. Vì vậy, trong trường hợp nếu bạn vẫn quyết định làm sạch tai, thì bạn nên làm theo các phương pháp đúng đắn.
Các biện pháp làm sạch tai đúng đắn
Sử dụng nước ô xy già: Ngâm que ngoáy tai trong nước ô xy già; lau phần vành tai và phần bên ngoài của ống tai; không bao giờ đi sâu vào ống tai, nếu không bạn có thể đẩy các cục ráy tai vào sâu hoặc thậm chí làm hỏng màng nhĩ.
Sử dụng xà bông: Pha loãng xà bông trong nước cho đến khi tạo bọt, thoa hỗn hợp này lên vành tai và xoa bóp nhẹ nhàng, thực hiện cách này 2 lần/tuần.
Sử dụng dầu thực vật: Đun nóng dầu thực vật đến nhiệt độ 37⁰C; lấy một cục bông, nhúng vào dầu rồi nhét vào lỗ tai; giữ cục bông trong tai của bạn khoảng 2 giờ. Trong giai đoạn này, ráy tai sẽ trở nên mềm và sẽ được rửa sạch bằng nước mà không tốn nhiều công sức. Không đưa cục bông vào trong quá sâu và nhớ chừa sẵn mép ngoài. Sau khi hoàn thành quy trình, việc lấy nó ra khỏi tai sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Sử dụng thuốc: Nếu bạn nghi ngại về các phương pháp thủ công cổ truyền, hãy mua thuốc nhỏ tai ở hiệu thuốc có tác dụng loại bỏ ráy tai.
Cách loại bỏ các cục ráy tai lớn
Đôi khi do quá mải mê vệ sinh tai mà vô tình chúng ta đẩy các cục ráy tai lớn vào sâu trong ống tai. Cảm giác khó chịu và lo lắng về khả năng bị điếc có thể khiến mọi người vô cùng sợ hãi. Lời khuyên là hãy giữ bình tĩnh, tránh nguy cơ áp dụng bừa bãi các phương pháp “cấp cứu” không phù hợp.
Chuẩn bị một số loại dung dịch khử trùng, ví dụ, dung dịch thuốc tím. Trong trường hợp không có sẵn, nước đun sôi để nguội cũng có thể được sử dụng. Chuẩn bị bình thụt rửa cao su loại 250 ml.
Hút dung dịch khử trùng vào bình thụt rửa. Đưa đầu vòi bình thụt rửa vào trong ống tai và bóp để phun dung dịch vào. Nghiêng đầu sang một bên, trên khăn ăn hoặc bồn rửa để dung dịch khử trùng dần chảy ra khỏi tai.
Thực hiện quy trình 3 lần, sau đó buộc bằng khăn quàng cổ và nằm ngang. Sau khoảng một giờ, cục ráy tai thường sẽ bong ra và bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm.
Trong trường hợp vấn đề vẫn chưa được giải quyết, bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp từ bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Chuyên gia y tế sẽ làm sạch kỹ lưỡng các ống tai và khuyên bạn nên làm thế nào để tránh tình trạng tương tự trong tương lai.
Hy vọng rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này sẽ giúp bạn tuân thủ các quy tắc vệ sinh tai đơn giản và đúng cách.
Hạ Thảo (theo Irecommend, Pikabu)