Con gái 5 tuổi tò mò hỏi 'Em bé chui vào bụng mẹ thế nào?' khiến bố mẹ bối rối đỏ mặt
Bố mẹ thông minh nên tìm câu trả lời phù hợp trình độ nhận thức của con.
Vì sao em bé chui vào bụng?
Chị Dương Thị Quế - Hà Nội chia sẻ khi con gái chị 5 tuổi thì chị mang bầu bé thứ hai. Mỗi lần nằm cạnh mẹ, cô bé lại xoa bụng mẹ rồi tò mò hỏi mẹ làm sao mà em bé chui được vào bụng mẹ.
Chị Quế cũng không biết giải thích cho con như thế nào, càng im lặng bé càng tò mò sang hỏi bố. Có lần bé về nhà khoe với mẹ rằng bé đã hỏi được bà ngoại vì sao em bé chui được vào trong bụng của mẹ rồi. Bà bảo em bé chui vào từ nách và lớn dần lên. Một câu trả lời buồn cười nhưng cũng là cách chống chế chờ bé lớn bé sẽ biết.
Nhiều phụ huynh cũng rơi vào cảnh con tò mò không biết tại sao mình được sinh ra. Chị Lan Anh, Cầu Giấy, Hà Nội kể con gái 3 tuổi của chị mỗi lần xem ảnh cưới của ba mẹ lại hỏi con đang ở đâu. Thấy dì mang thai thì cô bé luôn thắc mắc tại sao trong bụng lại nở ra em bé. Để trả lời những câu hỏi như thế này của con trẻ cũng rất hại não.
Chị Lan Anh kể bản thân chị ngày còn bé cũng tò mò không biết vì sao bố mẹ lại tạo ra em bé. Lúc còn bé chỉ được giải thích là ba đi qua đầu giường của mẹ là có em bé hay mẹ chị kể chuyện Sọ dừa cho chị nghe. Chị cũng kể lại cho con như thế nhưng trẻ vẫn chưa thoả mãn câu trả lời về sự tích Sọ dừa.
Ảnh minh hoạ. |
Không nên tỉ mẩn giải thích
Theo Bác sĩ Nguyễn Tấn Thủ - Phòng khám Nhà Mình (TP.HCM), những câu hỏi như trên có thể gặp ở bất cứ gia đình nào. Với nhiều cha mẹ đây câu hỏi khó. Không ít ông bố, bà mẹ bối rối.
Khi trẻ hỏi làm sao để mẹ có bầu, em bé từ đâu chui vào bụng mẹ, bác sĩ Thủ cho rằng cha mẹ chỉ cần giải thích đó là chuyện của người lớn, khi lớn con sẽ biết được.
Hoặc có thể kể cho con đây là chuyện vui. Khi mối quan hệ cha mẹ và con cái có nền tảng tốt thì cha mẹ nói kiểu gì thì trẻ cũng có thể tin.
Không thể tỉ mẩn giải thích cho trẻ vì chúng chưa có kiến thức nền về vấn đề này nên càng giải thích càng rối. Vì vậy, có những tình huống bạn vẫn có thể từ chối.
Theo BS Thủ, việc giáo dục giới tính phải đi theo từng bước. Khi trẻ chưa hiểu về cơ thể nam nữ như thế nào thì chúng ta phải chờ khi con lớn. Đây không phải làm lờ đi mà đây là chúng ta hoãn lại và đây là cả quá trình, cha mẹ và con cái cùng tìm hiểu và đến khi đủ chín muồi trẻ tự biết.
Ví dụ việc mang thai ở chương 100 trong giáo dục giới tính thì bạn không thể cho trẻ nhảy vọt lên chương này khi trẻ chưa học về sinh lý, sinh dục từ chương 1, chương 2. Việc giáo dục giới tính cho con là bài tập dài, cùng giáo dục với con theo bài tập dài đó phải đi lần lượt từng bước.
Bối cảnh gia đình ở Việt Nam nhà hơi nhỏ nên nhiều gia đình đều ngủ chung. Trẻ có thể nhìn thấy hình ảnh ân ái của cha mẹ. Vì vậy, những hành vi đó nên hạn chế để trẻ quan sát thấy. Khi lỡ xảy ra tình huống trẻ bắt gặp thì mình có thể nói với con đó là chuyện của thế giới người lớn.
BS Thủ lưu ý phụ huynh, khi dạy trẻ cần dạy cho trẻ vấn đề mà trẻ thấy hợp lý. Ví dụ trẻ thấy hai người thương nhau thì hôn nhau và người lớn lại hay nghĩ đó là xấu. Vì vậy, những cảnh ôm nhau, hôn nhau, thân mật nếu trẻ nhìn thấy cũng không lo vì đó là thể hiện tình yêu.
Trong suy nghĩ của người lớn luôn muốn con như thế này, như thế kia giống như câu chuyện nhiều phụ huynh cho rằng trẻ em cấp 2, cấp 3 không được yêu. Thực tế yêu là cảm xúc bình thường, không xấu xa. Yêu như thế nào, yêu có giới hạn mới là quan trọng. Nhiệm vụ của người lớn dạy cho trẻ hành vi lựa chọn đó có rủi ro như thế nào. Ví dụ nữ quan hệ tình dục sớm có thể mang thai, ảnh hưởng đời sống của bản thân mình trong tương lai. Nên thẳng thắn nhìn nhận rõ hai mặt của vấn đề để trẻ biết, phòng tránh rủi ro.
Khánh Chi