Gần 200 hộ dân thấp thỏm đi qua cây cầu sụt mố do mưa lũ
Đã gần 1 năm nay, gần 200 hộ dân ở huyện Yên Thành (Nghệ An) luôn thấp thỏm mỗi khi đi qua chiếc sụt mố, hư hỏng. Mỗi ngày họ phải “đánh cược” mạng sống khi phải đi qua chiếc cầu có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Nơm nớp đi qua cầu sụt mố, hư hỏng
Theo phản ánh của gần 200 hộ dân xóm Hồng Thịnh, xã Thịnh Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An), đã gần 1 năm nay chiếc cầu duy nhất bắc qua khe, nằm trên tuyến đường độc đạo đi vào thôn bị nước lũ đánh sập một phần.
Theo ghi nhận của PV, cầu Giằng Xay nằm ngay đầu tuyến đường từ trung tâm xã vào xóm Hồng Thịnh (thuộc xã Thịnh Thành) nối sang xã Hồng Sơn của huyện Đô Lương nên lưu lượng người và phương tiện tương đối lớn.
Cầu Giằng Xay nằm trên con đường độc đạo đi vào xóm Hồng Thịnh, xã Thịnh Thành (Yên Thành, Nghệ An). |
Tuy nhiên, đã gần 1 năm qua, chỉ có xe máy, xe đạp là phương tiện đi được qua cầu này để vào làng và sang các xã bên cạnh. Nguyên nhân là do hoàn lưu bão số 9 hồi cuối tháng 10/2020 đã gây mưa lớn, kèm nước lũ dâng cao khiến một mố cầu bị vỡ, sụt lún, một phần đường dẫn lên cầu bị trôi; mố cầu còn lại cũng bị nứt nẻ, hư hỏng và tách rời ra khỏi mặt cầu…
Chiếc cầu bị sập một phần do mưa lũ vào tháng 10/2020. |
Theo nhiều người dân ở đây, tình trạng cây cầu này nguy hiểm hơn bao giờ hết khi mùa mưa lũ đang đến gần, có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Ông Nguyễn Văn Chương (SN 1966, trú tại xóm Hồng Thịnh, xã Thịnh Thành) không giấu nổi lo lắng: "Chúng tôi bây giờ sống ở đây rất bất an, hiện mặt cầu bị nghiêng, nguy cơ cầu sập bất cứ lúc nào, nhất là khi có mưa to. Lo nhất là những em học sinh hàng ngày đến trường phải đi chiếc cầu này".
Còn anh Nguyễn Hữu Quyền (trú xóm Hồng Thịnh) bức xúc: "Thôn chúng tôi đã nhiều lần họp và kiến nghị lên UBND xã nhưng vẫn chưa có kết quả. Nếu tình trạng này còn kéo dài nữa thì không biết mùa mưa lũ sắp tới người dân đi lại như thế nào được".
"Đây là con đường độc đạo vào xóm, vì lo lắng quá nên bà con đã dùng cọc tre đóng hai bên mố cầu để đổ đất lên, tạo điều kiện cho xe máy, xe đạp đi qua, còn xe ô tô thì không thể qua lại được", anh Chương cho hay.
Mặt đường và 2 bên thành cầu bị nứt nẻ nghiêm trọng. |
Cần đầu tư, xây dựng cầu mới
Theo ông Nguyễn Đình Phong, Chủ tịch UBND xã Thịnh Thành, cầu Giằng Xay được xây dựng từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. "Hiện tại, để tránh tai nạn cho người và phương tiện mỗi khi lưu thông qua đây, xã tiến hành cắm biển cấm các loại xe ô tô qua lại trên cầu, đồng thời báo cáo lên cấp trên để có giải pháp xử lý. Về lâu dài, xã rất mong Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng lại chiếc cầu để bà con yên tâm khi mùa mưa lũ sắp đến", ông Phong thông tin và bày tỏ mong muốn.
Một mố cầu bị vỡ, hư hỏng và tách rời ra khỏi mặt cầu. |
Ông Phong cho biết thêm, toàn xóm Hồng Thịnh có gần 200 hộ dân, với 735 nhân khẩu, trong xóm có nhiều cơ sở sản xuất gạch không nung, hàng trăm héc ta rừng keo của người dân. Bên cạnh đó, khi người dân có nhu cầu xây dựng thì xe chở vật liệu cũng không vào được nên rất vất vả và chi phí cao. Cầu bị hư, xe ô tô tải không vào được nên mọi hoạt động sản xuất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Hiện tại xe ô tô muốn vào xóm Hồng Thịnh phải đi vòng qua huyện Đô Lương, xa hơn đến 6 km; hoặc đi vòng qua đường nội đồng, nhưng đây là đường đất lầy lội và phải qua tràn nước, ngày mưa không thể đi được.
Mới đây, UBND xã cũng đã gửi tờ trình lên UBND huyện để xin phương án để bố trí nguồn vốn, đầu tư xây dựng mới chiếc cầu để đảm bảo an toàn cho nhân dân trong trong mùa mưa lũ”, ông Phong nói.
Người dân phải chống cọc tre đề đi tạm, đề phòng cầu bị sập bất cứ lúc nào. |
Hàng ngày, người dân và các em học sinh “đánh cược" tính mạng khi qua chiếc cầu này. |
Nghệ An chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất
Ngày 7/7, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Nghệ An vừa có công điện gửi các Sở ngành, đơn vị liên quan về việc chủ động ứng phó với diễn biến mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng trên địa bàn.
Việt Hòa