"Đừng xem việc dạy thêm của chúng tôi là một tệ nạn”
![]() |
Chỉ vì 10% mà cấm?
Theo Sở GDĐT TP. HCM, dạy thêm học thêm về cơ bản có thể phân chia thành 2 dạng. Dạng 1: Xuất phát từ nhu cầu chính đáng của phụ huynh, học sinh và giáo viên. Dạng này chiếm đa số.
Dạng 2: Không xuất phát từ nhu cầu chính đáng của phụ huynh, học sinh. Đây là dạy thêm học thêm biến tướng. Dạng này thực tế là có, nhưng chiếm tỉ lệ không cao - dưới 10%.
Sau buổi làm việc giữa Ban Văn hóa xã hội HĐND TP với Sở GDĐT TP.HCM, lãnh đạo Sở cho biết, Sở sẽ kiên quyết trong việc cấm dạy thêm, học thêm cả trong và ngoài nhà trường, nếu phát hiện giáo viên dạy thêm sai quy định sẽ kỷ luật nặng, thậm chí buộc thôi việc.
Nhiều ý kiến đã cho rằng, chỉ vì khoảng 10% dạy thêm biến tướng mà cấm triệt để dạy thêm, học thêm một cách cứng nhắc như vậy đã hợp lý chưa?
Đại diện Trường THPT Lê Minh Xuân (Bình Chánh) đặt vấn đề: "Chúng ta thừa nhận tiêu cực trong dạy thêm thời gian qua là có nhưng tỷ lệ thấp. Ngay như trường chúng tôi có 60 giáo viên dạy thêm thì bao năm qua cũng chỉ 1 - 2 trường hợp bị phản ánh, chúng tôi đã xử lý ngay. Do đó, chúng ta cần tìm cách chấn chỉnh, quản lý những biểu hiện sai trái này chứ không phải cấm như vậy"
Ông Trương Kim Tiền, đại biểu HĐND TP cũng đặt câu hỏi: “Tại sao chỉ vì 10% không quản lý được mà để ảnh hưởng tới 90% còn lại? Tại sao không nói năm 2017 chấm dứt tham nhũng, chấm dứt phá rừng? Cần xem xét lại công tác quản lý, không thể vì thế mà chấm dứt đột ngột, ảnh hưởng tới cuộc sống và việc học tập của hàng trăm nghìn học sinh và giáo viên”.
Cô Nguyễn Thị Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Túc (Quận Bình Chánh) cho rằng: “Chỉ vì chưa tới 10% vi phạm mà lại cấm tất cả thì không ổn. Các vị lãnh đạo hãy nhìn vào cái chung, cái phát triển, những điều ngành làm được để thực hiện quy định một cách có tình nghĩa, có lộ trình, xứng với một thành phố văn minh hiện đại”.
Áp lực từ chương trình học và thi cử
Theo cô L.N (giáo viên Trường THPT Lê Thánh Tôn), dạy thêm, học thêm là không cần thiết và gây áp lực cho học sinh cấp tiểu học, THCS. Thế nhưng đối với học sinh THPT, học thêm là cần thiết, bởi giai đoạn này, các em phải đối mặt với các kỳ thi lớn, có tính chất trọng đại cho cả cuộc đời".
Anh Huỳnh Bá Dũng (quận Bình Thạnh) thẳng thắn: “Tôi không hề muốn ép con mình phải đi từ lớp học thêm này sang lớp học thêm khác nếu như thi cử không quá nặng nề như hiện nay. Rõ ràng nếu con tôi chỉ học trên lớp, cháu sẽ không thể làm được các bài tập nâng cao, không thể đạt điểm khá giỏi, không thể vào được các trường ĐH tốt”.
Cô Nguyễn Thị Hồng Chương chia sẻ: “80% giáo viên trong trường là giáo viên trẻ, lương chưa tới 3 triệu đồng/ tháng nhưng họ không bao giờ nói lương ít phải dạy thêm, mà chỉ nói rằng chương trình nặng quá muốn thêm tiết để dạy không cần lấy tiền.
Trường tôi tổ chức dạy thêm trong trường, mỗi thầy cô dạy thêm 2 lớp thì cả tháng lương chính cộng tiền dạy thêm cũng chưa được tới 5 triệu đồng. Trong khi đó, kết quả đạt được qua 3 năm là với đầu vào thấp nhưng cũng đã có 94% học sinh đỗ tốt nghiệp”.
Theo cô Chương, nhu cầu học thêm là có, cấm trong trường học sinh sẽ ra ngoài học, giáo viên sẽ ra ngoài dạy. “Tôi không muốn khi đó lại cùng với các cơ quan chính quyền tìm đến nơi thầy cô dạy để lập biên bản”.
Từ năm 2015, khi hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH gộp thành một, giáo viên không thể chỉ dừng lại ở cách dạy như thi tốt nghiệp trước đây. Nhu cầu học thêm của phụ huynh và học sinh là có, nhất là khi thi cử còn nhiều bất cập như hiện nay.
Cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1) cho biết: “Với cách thi cử thế này, việc chấm dứt dạy thêm sẽ khiến chất lượng học sinh đi xuống. Đặc biệt trong bối cảnh cách thi, chương trình không thay đổi trong khi mặt bằng đầu vào của mỗi trường khác nhau. Nhu cầu học thêm là cần thiết với mặt bằng đó".
Cô Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định chia sẻ: “Cần có biện pháp chế tài thật nặng đối với những trường hợp tiêu cực của dạy thêm - học thêm. Riêng những ưu điểm của nó thì cần phát huy, nhất là trong bối cảnh như hiện nay: nếu học sinh không học thêm rất khó đậu vào đại học, và việc cấm dạy thêm trong nhà trường phổ thông sẽ làm sụt giảm chất lượng giáo dục của thành phố.
TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn rất nhiều những nhà giáo đi dạy thêm là vì học trò chứ không hẳn vì miếng cơm manh áo. Đừng xem việc dạy thêm của chúng tôi là một tệ nạn”.