Đức phải chi nhiều tiền hơn để sở hữu các máy bay chiến đấu F-35
Đáng chú ý là những chiếc máy bay Panavia Tornados của Đức dự kiến ngừng hoạt động là những chiếc máy bay mang vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Vì vậy, việc các máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ gần đây đã nhận được chứng nhận là phương tiện mang vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ tạo điều kiện thuận lợi để giúp hợp đồng này được thông qua.
Theo ấn phẩm quân sự “Cổng thông tin quốc phòng” của Bulgaria, số tiền Đức sẽ phải trả để mua máy bay chiến đấu F-35 từ Mỹ có thể cao hơn nhiều so với kế hoạch.
Sắp tới, chính quyền Đức sẽ thảo luận về việc mua máy bay của Mỹ. Cuộc thảo luận trong Ủy ban Ngân sách Đức có thể kéo dài tới 2 tuần. Theo dữ liệu sơ bộ, giá mua tối đa được công bố trước đó đã tăng thêm hơn 2 tỉ Euro.
Bộ Quốc phòng Mỹ đến nay vẫn chưa nhận được sự cho phép của Quốc hội Mỹ trong việc bán máy bay cho Đức. Nhưng Washington đã đồng ý về mặt nguyên tắc thỏa thuận này với Berlin vào năm 2021.
Vào thời điểm đó, theo ước tính sơ bộ, Đức phải trả cho Mỹ số tiền xấp xỉ 8,7 tỉ Euro để mua 35 máy bay chiến đấu mới. Chi phí sơ bộ của hợp đồng bao gồm các máy bay, vũ khí và công tác bảo dưỡng, cũng như “hàng hóa và dịch vụ liên quan”.
Theo các chuyên gia quân sự Bulgaria, Berlin sẽ phải trả chính thức khoảng 10,2 tỉ Euro cho 35 máy bay F-35. Trên thực tế, Đức sẽ phải chịu thêm chi phí cho việc tái thiết căn cứ không quân Büchel.
Theo kế hoạch, các máy bay F-35 sẽ được triển khai tại sân bay này, bởi vì đây là nơi vũ khí hạt nhân của Mỹ được cất giữ. Cơ sở hạ tầng sân bay hiện tại không phù hợp để bố trí các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, đòi hỏi phải xây dựng các tòa nhà và cấu trúc mới và tái thiết những công trình hiện có. Một quốc gia châu Âu khác được cho sẽ nhận được hợp đồng để bảo dưỡng các máy bay của Mỹ, nhiều khả năng sẽ là Italy.
Lockheed Martin F-35 Lightning II là dòng máy bay chiến đấu, ném bom tàng hình đa chức năng thế hệ thứ 5, được phát triển tại công ty Lockheed Martin của Mỹ với 3 phiên bản: máy bay chiến đấu tấn công mặt đất (CTOL) phục vụ nhu cầu của Không quân Mỹ, máy bay cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL) dành cho lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ và Hải quân Anh, máy bay chiến đấu triển khai trên tàu sân bay dành cho các nhu cầu của Hải quân Mỹ.
F-35 có chiều dài 15,37 m; sải cánh 10,6 m; cao 4,33 m; trọng lượng không tải 12.000 kg; trọng lượng có tải 20.100 kg; trọng lượng cất cánh lớn nhất 27.200 kg; tốc độ lớn nhất 1,6 Mach (1.930 km/h); bán kính chiến đấu 1.100 km.
Dự án F-35 được ca ngợi là kỳ tích công nghệ, tạo ra sản phẩm có thể thống trị bầu trời được sản xuất từ năm 2001. F-35 có 3 phiên bản khác nhau gồm F-35A, F-35B và F-35C. Trong đó, F-35A có khả năng cất và hạ cánh như máy bay chiến đấu thông thường; F-35B cất và hạ cánh thẳng đứng như trực thăng và F-35C triển khai trên các tàu sân bay.
F-35A (phiên bản dành cho Không quân) đầu tiên của Mỹ được trang bị đầy đủ và đã được triển khai chiến đấu. Các hạn chế về độ linh động của máy bay ở lần trình diễn đầu tiên đã được loại bỏ hoàn toàn. Ngay cả khi tích hợp đầy vũ khí và nạp đầy nhiên liệu bên trong, phi công vẫn có thể chiến đấu mà không bị giới hạn.
Hạ Thảo (lược dịch)