Dự thu ngân sách 2017 có tiền bán cổ phần tại Vinamilk, Sabeco, và Habeco
Theo đó, đối với trường hợp Sabeco và Habeco, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ giao Bộ Công Thương xây dựng phương án thoái vốn tại 2 doanh nghiệp này.
Bộ Tài chính cũng đã đưa “tiền thu về từ thoái vốn” vào dự toán thu ngân sách năm 2017. Số tiền thu được từ thoái vốn sẽ chuyển về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trước ngày 15/12. Động thái này của Bộ Tài chính cho thấy sự cấp bách trong việc thoái vốn tại hai “ông lớn” ngành bia rượu, một ngành nhà nước không cần thiết phải nắm giữ cổ phần.
Tuy nhiên, gần đây không có nhiều thông tin về diễn biến mới của việc thoái vốn tại hai doanh nghiệp này. Trong trường hợp của Habeco, tập đoàn Carlsberg được coi là đối tác tiềm năng nhất. Hiện giá của cổ phiếu BHN đã giảm 63,2% so với mức đỉnh lập được, kết thúc phiên giao dịch ngày 05/05, cổ phiếu BHN của Habeco còn 83.000 đồng/cp sau 3 phiên giảm giá liên tiếp.
Với mức giảm như hiện nay, cơ hội để Habeco bán bớt cổ phần cho Carlsberg đã cao hơn một chút. Trước đây, Carlsberg từng đề cập đến mức giá khoảng 48.800 đồng/cp.
![]() |
Trong trường hợp của Sabeco, đơn vị tư vấn thoái vốn đã được lựa chọn. Tuy nhiên ngoài ra không còn nhiều thông tin khác đáng chú ý. Hiện giá cổ phiếu SAB thấp hơn 13,3% so với đỉnh nhưng vẫn cao, còn 199.300 đồng/cp.
Trường hợp của Vinamilk, một doanh nghiệp được nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhưng phiên đấu giá cổ phần diễn ra năm ngoái không thành công đã khiến cho quá trình thoái vốn gặp nhiều khó khăn. Trong lần đấu giá trên, F&N BEV Manufacturing PTE.LTD và F&N Dairy Investment PTE.LTD, là 2 thành viên của Fraser & Neave Limited đã chi tổng cộng 506 triệu USD mua 78,4 triệu cổ phiếu (5,4% cổ phần) trong khi số cổ phần chào bán là 9%. Quá trình bán cổ phần sẽ tiếp tục diễn ra, vấn đề là ở mức giá nào để có thể hài lòng cả đôi bên.