Du lịch "cháy nhà tứ phía", Giám đốc rủ nhau đi ship bia, bán thịt dê online
Ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh, có doanh nghiệp du lịch dù đã đi bằng "kiềng 3 chân" vẫn bị ‘cháy nhà tứ phía’, cũng có doanh nghiệp lại ‘rẽ hướng’ sang sản xuất và kinh doanh bia... để có thể ‘đi qua mùa dịch’.
Dịch bệnh khiến ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. |
Mùa du dịch 2021 vừa bắt đầu thì làn sóng thứ tư dịch Covid-19 ập đến, khiến mọi kế hoạch của các công ty du lịch phải dừng lại.
Chia sẻ với PV Infonet, ông Nguyễn Văn Tài – Tổng giám đốc VietSense Travel cho biết, Công ty ông hoạt động ở 3 lĩnh vực gồm lữ hành, đào tạo nghề du lịch và kinh doanh nhà hàng đặc sản. Cả ba lĩnh vực này đều nằm trong kế hoạch dài hơi.
Khi dịch bệnh xảy ra, cả 3 lĩnh vực đó đều bị khó khăn bủa vây giống như kiểu ‘cháy nhà tứ phía’.
Cụ thể, ông Tài cho hay, việc kinh doanh du lịch bị ảnh hưởng trực tiếp, các tour đã ký trong tháng 5, 6,7 hiện khách đều hoãn, hủy hết. Còn đối với các giao dịch mới thì tê liệt hoàn toàn, từ sau ngày 1/5 không có ai quan tâm, không ai đi du lịch nữa.
Dịch bệnh không chỉ khiến lĩnh vực du lịch tê liệt, đào tạo nghề du lịch tạm dừng mà ngay cả việc kinh doanh nhà hàng đặc sản của ông Nguyễn Văn Tài – Tổng giám đốc VietSense Travel cũng bị ảnh hưởng khi mới khai trương. |
“Trong tháng 5, khoảng 1.000 khách đã được thực hiện hoãn hết, trước mắt, Công ty đang thực hiện bảo lưu giá trị cho khách để nếu dịch bệnh được kiểm soát sớm, vẫn còn mùa hè mà khách bố trí được thời gian sẽ cung cấp dịch vụ lại. Còn nếu dịch bệnh vẫn kéo dài sẽ có phương án khác”, ông Tài nói.
Theo ông Tài, Công ty đã phải điều chỉnh lại số lượng nhân sự. Tất cả những nhân viên làm nghiệp vụ du lịch tạm nghỉ từ tháng 5, Công ty chỉ giữ lại đội ngũ nòng cốt là các lãnh đạo, các trưởng phòng.
“Đội ngũ này vẫn hoạt động bình thường để thực hiện các chính sách đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, thương thảo với đối tác và khách hàng cũng như chuẩn bị chiến dịch, kịch bản để nếu dịch bệnh được kiểm soát trong tháng 6 thì tháng 7 vẫn có thể hoạt động kinh doanh được ngay”, ông Tài cho hay.
Còn đối với việc kinh doanh nhà hàng, ông đã có kế hoạch chuẩn bị từ trước và sẽ khai trương nhà hàng đặc sản chuyên món dê vào ngày 27 hoặc 28/4, thế nhưng đúng thời điểm đó dịch bệnh lại có diễn biến phức tạp… Vì thế, người dân cũng không có nhu cầu đi ăn nhà hàng nhiều khiến ông buộc phải nghĩ cách.
Thay vì phục vụ khách thưởng thức món ăn tại chỗ, ông Tài đã phải chuyển kế hoạch sang bán online, tạo những combo ship món ăn đến tận nhà cho khách.
Cũng trong tình cảnh các tour đã chốt phải hủy cả nghìn khách, khách mới đặt tour không có, chia sẻ với PV Infonet, ông Nguyễn Tiến Đạt – Tổng giám đốc AZA Travel cho biết, doanh nghiệp xác định có thể phải chung sống lâu dài với dịch bệnh, du lịch vẫn sẽ gặp khó khăn bởi có thể hết dịch hay bùng dịch bất cứ lúc nào.
Ông Nguyễn Tiến Đạt – Tổng giám đốc AZA Travel đã rẽ hướng sang sản xuất, kinh doanh bia. |
Vì thế, ông Đạt đã phải chuyển hướng, làm thêm nghề tay trái là sản xuất và kinh doanh bia thủ công.
“Bia thủ công là xu hướng phát triển đồ uống trên thế giới nên chúng tôi lựa chọn để sản xuất và kinh doanh từ mùa dịch bệnh xảy ra năm ngoái. Trước đây, chúng tôi phân phối qua nhà hàng nhưng hiện nhà hàng cũng ảnh hưởng bởi dịch bệnh và Nghị định 100 nên chúng tôi đã phát triển kênh bán hàng online, ship đến tận tay khách hàng. Chúng tôi tính sẽ phát triển đến một số tỉnh ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh”, ông Đạt cho hay.
Cũng theo ông Đạt, ông đã mở một công ty để chuyên sản xuất và kinh doanh bia nhằm tận dụng nguồn nhân lực từ du lịch sang, trong khi thời điểm hè, nhu cầu sử dụng bia tăng.
Giám đốc công ty du lịch làm xưởng bia, đi ship hàng chờ qua mùa dịch |
“Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, du lịch phát triển trở lại thì những nhân sự làm du lịch cũng sẽ trở lại đúng chuyên môn của họ và sẽ tuyển dụng thêm nhân sự mới để tiếp tục làm cho lĩnh vực bia”, ông Đạt bật mí.
Ông Đạt đánh giá, nhu cầu du lịch luôn luôn và rất lớn, chỉ do ảnh hưởng của dịch bệnh nên mới bị thay đổi.
“Tôi hy vọng cuối tháng 6, sang tháng 7 du lịch sẽ có thể khởi động trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt. Qua những đợt dịch, chúng tôi có phương châm linh hoạt theo hoàn cảnh, dễ ứng biến. Bây giờ dịch bệnh khách không đi du lịch, nhưng hết dịch thì nhu cầu sẽ ồ ạt luôn nên khi ấy cần sẵn sàng bộ máy nhân sự, văn phòng để phục vụ khách.
Chúng tôi cũng đã đặt hết dịch vụ trong các tháng 6, 7 và 8 rồi, trong khi các khách sạn, hàng không chỉ có chính sách hỗ trợ cho những booking đến ngày 31/5, vì thế tôi mong rằng, các đơn vị này sẽ sớm ra chính sách cho các đơn vị booking ít nhất đến giữa tháng 6, nếu dịch bệnh vẫn ảnh hưởng thì tiếp tục gia hạn”, ông Đạt nói thêm.
Minh Thư
Bất an vì dịch, khách du lịch ồ ạt hủy tour, chấp nhận mất hàng chục triệu đồng
An toàn phòng dịch là trên hết nên nhiều người dù đã bỏ ra vài chục triệu đồng đặt các chuyến du lịch cho kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 cũng đành gác lại; hàng trăm người đã hủy tour sát giờ xuất hành...